Nâng cao hiệu quả giảng dạy môn Ngữ văn theo đặc trưng thể loại

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Qua chuyên đề Ngữ văn 8 "Dạy truyện lịch sử theo đặc trưng thể loại", giáo viên đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Cô Trần Thị Lệ Hà (trái) - Hiệu trưởng Trường THCS Phú La tặng hoa chúc mừng thành công của tiết dạy chuyên đề do cô Nguyễn Thị Thu Thủy đứng lớp.
Cô Trần Thị Lệ Hà (trái) - Hiệu trưởng Trường THCS Phú La tặng hoa chúc mừng thành công của tiết dạy chuyên đề do cô Nguyễn Thị Thu Thủy đứng lớp.

Sáng 27/3, Trường THCS Phú La (Hà Đông, Hà Nội) tổ chức chuyên đề Ngữ văn lớp 8 "Dạy học truyện lịch sử theo đặc trưng thể loại" - Thực hành đọc hiểu văn bản "Bên bờ Thiên Mạc" của tác giả Hà Ân. Tham dự có lãnh đạo hai Phòng GD&ĐT quận Hà Đông và huyện Phú Xuyên, BGH và giáo viên Ngữ văn của hai địa phương.

Nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết, hoạt động này nằm trong chương trình phối hợp đã được đơn vị này kí kết với Phòng GD&ĐT huyện Phú Xuyên về tổ chức phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm" theo Kế hoạch 4340 ngày 22/12/2022 của Sở GD&ĐT Hà Nội.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Hà Đông và đông đảo khách mời đến từ huyện Phú Xuyên tới dự và trao đổi kinh nghiệm sau tiết dạy chuyên đề.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Hà Đông và đông đảo khách mời đến từ huyện Phú Xuyên tới dự và trao đổi kinh nghiệm sau tiết dạy chuyên đề.

Tham dự chuyên đề Ngữ văn 8 tại Trường THCS Phú La có đại diện BGH của 5 trường THCS ở huyện Phú Xuyên gồm: Bạch Hạ, Phú Yên, Đại Thắng, Minh Tân, Đại Xuyên. Diễn ra cùng thời điểm là chuyên đề môn Tiếng Anh ôn tập cho học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10, chủ đề "Conditional Sentences" tại Trường THCS Mỗ Lao, quận Hà Đông.

Tại tiết chuyên đề, cô Nguyễn Thị Thu Thủy - giáo viên Ngữ văn Trường THCS Phú La đã cho học sinh đóng hoạt cảnh về văn bản "Bên bờ Thiên Mạc"; chơi trò "Mở miếng ghép" để nhắc lại đặc trưng thể loại truyện lịch sử cũng như thông tin về tác giả, bối cảnh, cốt truyện... Bức tranh sau các miếng ghép là cảnh "Trần Bình Trọng xóa vết xăm trên trán Hoàng Đỗ".

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy đã sử dụng nhiều tư liệu, thiết bị dạy học và phương pháp giảng dạy khác nhau để nâng cao hiệu quả bài dạy.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy đã sử dụng nhiều tư liệu, thiết bị dạy học và phương pháp giảng dạy khác nhau để nâng cao hiệu quả bài dạy.

Ở thể loại truyện lịch sử có nhân vật có thật và nhân vật hư cấu. Nhân vật có thật là những anh hùng lịch sử, yêu nước, kiên trung bất khuất, có tài cầm quân chống giặc, là tấm gương đạo đức sáng ngời như Trần Quốc Tuấn, Trần Bình Trọng. Nhân vật hư cấu điển hình trong đoạn trích là Hoàng Đỗ. Đây là hình ảnh thế hệ tiếp nối, thể hiện tinh thần yêu nước của dân tộc.

Nhân vật phụ trong truyện thường do người viết bổ sung, có thể không có vai trò quan trọng về lịch sử, nhưng cần thiết cho việc làm nổi bật sự kiện, nhân vật chính. Truyện lịch sử không đơn thuần là kể lại sự kiện lịch sử, con người có thật mà có sự đan xen với yếu tố hư cấu, tưởng tượng, có sự bổ sung, sáng tạo của tác giả.

Học sinh cùng đọc những suy nghĩ của mình về bài học thông qua phiếu trái tim được dính lên bảng.

Học sinh cùng đọc những suy nghĩ của mình về bài học thông qua phiếu trái tim được dính lên bảng.

Thông qua các phiếu học tập cũng như các trò chơi vận động trí thông minh, tinh mắt, nhanh nhẹn của học sinh, cô Nguyễn Thị Thu Thủy đã giúp các em khắc sâu hơn giá trị của bài học về lòng yêu nước, tự hào dân tộc của cha ông qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Thế hệ trẻ ngày nay cần ra sức học tập để dựng xây đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Thời gian tới, Phòng GD&ĐT Hà Đông và Phú Xuyên sẽ tiếp tục chia sẻ, phối hợp và phát triển cùng nhau. Các nhà trường đã và đang xây dựng kế hoạch nâng cao chuyên môn từng cấp học, phong trào dạy và học, chất lượng bồi dưỡng giáo viên giỏi, cốt cán để lan toả phong trào tới cán bộ giáo viên, học sinh, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ