Mỹ sẽ đẩy Nga khỏi căn cứ hải quân Tartus?

GD&TĐ - Sau khi chính quyền của ông Assad sụp đổ, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới việc căn cứ Tartus của Syria sẽ đổi chủ, từ người Nga sang người Mỹ.

Mỹ sẽ đẩy Nga khỏi căn cứ hải quân Tartus?

Ngày 9/12, phe đối lập vũ trang Syria đã giành được quyền kiểm soát hoàn toàn tỉnh Latakia, nơi có các căn cứ quân sự của Nga ở Tartus và Jableh, nhưng không xâm phạm các căn cứ của Nga ở Tartus và Khmeimim.

Thông tin này đã gián tiếp được Nga thừa nhận khi phát ngôn viên báo chí của Tổng thống Vladimir Putin là ông Dmitry Peskov tuyên bố rằng, Moscow đang thực hiện các bước để đảm bảo an ninh cho các căn cứ quân sự của mình tại Syria, trong khi các lực lượng Nga vẫn đang thực hiện mọi biện pháp an ninh cần thiết để bảo vệ chúng.

Trong thời điểm hiện nay, số phận các căn cứ quân sự của Nga ở Syria vẫn chưa rõ ràng khi chính quyền mới ở Syria vẫn chưa được thành lập, trong khi thỏa thuận thuê sân bay Hmeimim và cảng Tartus trong vòng 49 năm, được ký kết năm 2017 với chính quyền cũ đã sụp đổ của ông Assad.

Hôm 11/12, chính trị gia đối lập Syria Mohammed Alloush, người hiện đang là cựu trưởng đoàn đối lập tại các cuộc đàm phán Syria ở Geneva và Astana, nói với phóng viên TASS rằng, sau khi chính quyền mới được thành lập, tương lai các căn cứ quân sự của Nga tại Syria sẽ được “đánh giá lại” theo quan điểm về lợi ích và quyền lợi của người dân nước này.

“Vấn đề căn cứ quân sự là quyết định có chủ quyền của nhà nước Syria. Chắc chắn sẽ được đánh giá dựa trên lợi ích và quyền lợi của người dân Syria, cũng như quyền lợi của Nga” - Mohammed Alloush ông tuyên bố.

Mặc dù đại diện của phe đối lập tuyên bố như vậy nhưng giới phân tích cho rằng, về cơ bản, tương lai của các căn cứ này đã được định đoạt, chính quyền mới thân phương Tây sẽ được thành lập và rõ ràng, những ông chủ đứng sau họ sẽ không muốn thấy Nga tiếp tục hiện diện quân sự tại đất nước này.

Ngày 11/12, Nhà nghiên cứu Trung Đông người Mỹ Michael Rubin viết trên cổng thông tin 19FortyFive rằng, Hải quân Mỹ có thể sẽ thế chỗ của Nga tại căn cứ hải quân Tartus.

Vị chuyên gia này nhận định rằng, những người theo chủ nghĩa hiện thực giống như Tổng thống Donald Trump luôn tin rằng, không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn, và tình trạng hỗn loạn ở Syria mở ra những cơ hội mới cho Hoa Kỳ.

Mặc dù hiện nay hầu hết người Alawite ở Syria sống ở tỉnh Latakia, dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, nhưng hiện nay, mối quan tâm hàng đầu của tộc người từng nắm quyền lực lâu dài ở Syria là “sự sống còn” chứ không phải việc tham gia vào “Trục kháng chiến Iran” hay liên minh với Putin.

Do đó, ông Trump có thể đưa ra một thỏa thuận hấp dẫn về việc Washington sẽ hỗ trợ quyền tự trị của người Alawite ở Latakia và Hải quân Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng bảo vệ họ bằng máy bay của mình, nếu lực lượng Sunni của Syria cố gắng tiến vào khu vực.

Đổi lại, Mỹ sẽ thế chỗ Nga nắm quyền kiểm soát căn cứ hải quân ở Tartus và có thể cũng hiện diện ở căn cứ không quân Hmeimim.

Với việc nắm quyền kiểm soát căn cứ hải quân này, Hoa Kỳ sẽ đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc.

Đầu tiên là buộc Hạm đội Nga phải dịch chuyển từ Địa Trung Hải về Biển Đen, nơi các chiến hạm Nga sẽ dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công từ Ukraine. Thứ hai là căn cứ này cũng sẽ trở thành con bài răn đe đối với Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống cứng rắn Recep Tayip Erdogan.

Michael Rubin cũng dẫn một tiền lệ tương tự về việc căn cứ của Liên Xô ở cảng Berbera của Somali đã trở thành một căn cứ của người Mỹ sau những biến động chính trị ở đất nước châu Phi này.

Vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh đang đến đỉnh điểm, sau khi Somalia đổi phe trong Chiến tranh Ogaden năm 1977-1978 (còn gọi là Chiến tranh Ethiopia-Somalia), Hoa Kỳ đã giành được quyền kiểm soát Berbera và biến nó trở thành căn cứ cho lực lượng đặc biệt của Mỹ, cảng cho tàu chiến Mỹ và sân bay gần đó cũng trở thành bãi đáp khẩn cấp cho tàu vũ trụ con thoi của NASA.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ