Lưu ý cách học Ngữ văn theo đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2024

GD&TĐ - Sau khi có đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Ngữ văn, học sinh cần lưu ý về cách học và ôn tập sao cho hiệu quả.

Cô Nguyễn Hằng Nga trong giờ dạy Ngữ văn tại Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.
Cô Nguyễn Hằng Nga trong giờ dạy Ngữ văn tại Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.

Cấu trúc đề không mới

Ngày 22/3, Bộ GD&ĐT đã công bố bộ đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 các môn, trong đó có Ngữ văn. Các thí sinh có thể xem chi tiết TẠI ĐÂY.

Dưới góc độ chuyên môn, Th.S Nguyễn Hằng Nga - Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) cho rằng, đề tham khảo lần này cơ bản giống với cấu trúc đề Ngữ văn của năm 2023. Ngữ liệu phần đọc hiểu cũng khá hay. Lấy thơ của một nhà thơ tuy ít tên tuổi nhưng cũng có ý nghĩa sâu sắc về lẽ sống và cách sống với tuổi trẻ.

Phần nghị luận xã hội là câu hỏi về thái độ sống cũng không khó đối với học sinh. Đoạn văn 200 chữ vẫn quen thuộc với học sinh. Nếu em nào để ý về các vấn đề thời sự và kỹ năng viết tốt cũng sẽ dễ dàng giành được điểm.

Các em học sinh khối 12 chỉ còn khoảng 3 tháng nữa để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Các em học sinh khối 12 chỉ còn khoảng 3 tháng nữa để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Phần nghị luận văn học yêu cầu học sinh phân tích một đoạn văn trong bút ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường, phát biểu suy nghĩ về tình cảm của tác giả đối với Sông Hương và xứ Huế vẫn là kiểu bài quen thuộc mọi năm nên cũng không làm khó thí sinh. Nhiều em sẽ viết tốt bài nghị luận văn học.

"Tựu chung lại, đề mẫu có cơ cấu giống như những năm trước. Ma trận đề có số câu nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao hợp lý. Ngữ liệu ở phần đọc hiểu khá hay. Phần nghị luận văn học ngữ liệu nằm trong chương trình lớp 12 quen thuộc. Đề mẫu tránh được việc sử dụng văn mẫu và cách dạy theo văn mẫu khá tốt. Phổ điểm đối với đề này là từ 6,5 - 8,0" - cô Hằng Nga nhận định.

Những lưu ý về cách học Ngữ văn

Thí sinh lớp 12 tới nghe tư vấn tuyển sinh năm 2024 tại ĐH Bách khoa Hà Nội.

Thí sinh lớp 12 tới nghe tư vấn tuyển sinh năm 2024 tại ĐH Bách khoa Hà Nội.

Đang ở chặng "nước rút" khi chỉ còn khoảng 3 tháng nữa sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, các em học sinh khối 12 cần lưu ý về cách học và ôn tập thật hiệu quả.

Học sinh phải nắm chắc kiến thức về thể loại (thể thơ, các thể loại văn xuôi); kiến thức về các biện pháp tu từ và tác dụng nghệ thuật của biện pháp tu từ; luyện tập cách đọc văn bản để nắm được nội dung văn bản nhanh nhất; biết liên hệ nội dung văn bản với cuộc sống và bản thân.

Ngoài ra, các em phải biết cách viết 1 đoạn văn nghị luận xã hội diễn dịch, quy nạp, tổng - phân -hợp…. Biết cách viết câu mở đoạn để giới thiệu vấn đề; biết cách viết câu chủ đề phù hợp với từng kiểu đoạn văn.

Thí sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản của các tác phẩm trong chương trình lớp 12. Biết cách viết bài văn nghị luận đủ 3 phần: Mở bài - Thân bài - Kết bài. Biết đi đúng vào trọng tâm yêu cầu của đề; nêu được cảm nhận riêng của mình về đoạn văn hoặc đoạn thơ mà đề ra. Biết nắm bắt ý phụ và trình bày đúng nội dung ý phụ. Những bài viết có tính sáng tạo và có kiến thức về lý luận văn học sẽ đạt điểm cao.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 6.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 6.

Để chuẩn bị tổ chức kỳ thi quan trọng này, ngành Giáo dục Thủ đô đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đạt kết quả cao.

Bên cạnh việc tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các nhà trường trong việc tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh bảo đảm đáp ứng tốt các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của đề thi, Sở GD&ĐT Hà Nội đề ra một số giải pháp tổ chức tốt kỳ thi.

Trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; phổ biến, quán triệt kỹ quy chế thi cho thí sinh; tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức cho thí sinh.

Ngành Giáo dục Thủ đô cũng xây dựng kế hoạch tổ chức và phân công nhiệm vụ bảo đảm chặt chẽ từng khâu, rõ việc từng người. Tăng cường phổ biến học tập quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi; tiếp tục phối hợp hiệu quả với Công an, thanh tra thành phố tập huấn nghiệp vụ về thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn gian lận thi cử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ