Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Điểm diễn được ấn định ở Nhà hát Hồ Gươm - một sân khấu lộng lẫy, hiện đại bậc nhất tại Hà Nội.

Dự án này được bắt đầu không phải từ một kịch bản kinh điển nước ngoài hay đu theo trend thời thượng và ê-kíp sáng tạo cũng không phải đến từ quốc tế mà tất cả đều… thuần Việt.

Vậy nhưng, ngay khi ra mắt, “Giấc mơ Chí Phèo” nhận được sự quan tâm cùng không ít lời ngợi khen như: Một vở nhạc kịch Việt Nam chất lượng cao, sáng tạo; “ra chất Broadway, các Aria rất rõ nét”. Nhất là tại Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc năm 2024 (đợt 1) mới khép lại cuối tháng 11, tác phẩm xuất sắc đứng đầu bảng Huy chương Vàng…

Bằng những bảo chứng đó, “Giấc mơ Chí Phèo” đang tự tin ra rạp cùng giá vé phát hành… “đắt đỏ”; trong đó trừ giá VIP, vé cao nhất là 2,5 triệu đồng và thấp nhất là 700 nghìn đồng.

Thực là, đối với một vở nhạc kịch made in Vietnam gọn gàng trong khoảng 90 phút có thể bán được vé ở những mức cao như thế được xem là đáng mơ ước, có thể “sánh” với vé vào cửa các concert, liveshow kéo dài vài tiếng đồng hồ và đầu tư tốn kém.

Trước “Giấc mơ Chí Phèo” đã có một số nhà hát, đơn vị nghệ thuật tổ chức dàn dựng và biểu diễn nhạc kịch song giá vé chưa khi nào “lý tưởng” như dự án lần này của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long.

Thường thường, giá vé đều dừng lại ở con số hàng trăm nghìn chứ chưa thể “vượt trội” sang hàng triệu đồng mà suất diễn được khai thác còn khá khiêm tốn, rộ lên được vài lần sau đó rơi vào quên lãng.

Sẽ có sự lý giải liên quan đến điểm biểu diễn – yếu tố tác động không nhỏ đến giá vé vào cửa thực tế. Nhưng, sau những khoảng thời gian kết hợp với việc trải nghiệm, tham quan nhà hát lộng lẫy, hiện đại thì yếu tố cuối cùng giữ chân khán giả vẫn phải là chất lượng vở diễn.

Nếu chất lượng kém thì dù có được đặt vào sân khấu lộng lẫy, hoành tráng đến bao nhiêu đi chăng nữa cũng chẳng thể làm nên kỳ tích. Là kết quả của sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu cùng mục tiêu rõ ràng, “Giấc mơ Chí Phèo” được cho là hội đủ 2 yếu tố đó để giờ đây có thể định giá ấn tượng như thế.

Mong rằng, việc tổ chức công diễn cho “Giấc mơ Chí Phèo” sẽ thành công, thực sự “tạo ra cơn sốt nghe xem nhạc kịch của khán giả đại chúng” như nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh dự đoán và sẽ là sản phẩm văn hóa nghệ thuật “tạo cú nổ cho chuỗi hoạt động quảng bá văn hóa, con người Việt đến du khách trong và ngoài nước, hướng đến xuất khẩu văn hóa và ngành công nghiệp giải trí”, như mục tiêu mà lãnh đạo ngành văn hóa Hà Nội đặt ra.

Và từ đây có thể mở đường cho nhạc kịch thuần Việt tự tin “cất cánh” thực sự bền bỉ, dài lâu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.