Chuyện xảy ra vào năm 2014. Ngày 4 tháng 7, chồng tôi đang làm công ở nơi xa gọi điện về nhà, kể là anh ấy bị đau nhức ở vùng xương vai và dự định ba bốn ngày nữa sẽ về rồi đến bệnh viện khám thử xem thế nào. Nghe vậy, tôi lập tức hỏi: “Anh có đau lắm không? Nếu cảm thấy đau quá không chịu nổi thì có thể nghỉ ngay hôm nay để về nhà đi khám xem sao”.
Chồng tôi nói không nghiêm trọng lắm, muốn chờ thêm ba bốn ngày nữa xem sao, vẫn có thể chịu đựng được thêm vài ngày nữa. Ý của anh là nếu sau ba hoặc bốn ngày cơn đau có dấu hiệu thuyên giảm, anh sẽ không cần về nữa.
Chồng tôi báo trước là để tham khảo ý kiến và để nếu tình hình chỗ đau không khả quan trong những ngày tới, khi anh ấy về nhà khám bệnh thì tôi cũng đã có chuẩn bị.
“Vậy bây giờ anh đang làm gì? Có ngồi nghỉ ngơi để cho bớt đau không?”. Tôi lo lắng hỏi.
“Không, anh vẫn làm việc bình thường”. Anh ấy đáp.
“Chẳng phải anh đang đau sao? Sao còn đủ sức làm việc được chứ?”.
“Anh thấy anh vẫn chịu được. Nếu cố gắng thêm một chút, có lẽ sẽ tiết kiệm được khoản chi phí đi lại, không cần về nhà sớm. Như vậy vừa đỡ tốn tiền vừa không bị lãng phí thời gian”.
“Nhưng nếu anh không chịu nổi, cơn đau càng trầm trọng hơn thì sao? Lúc đó mọi chuyện sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Vậy thì lúc đó em phải làm sao đây?”. Tôi hỏi.
“Không cần nói nữa, thực sự không sao đâu, nếu thực sự không ổn thì anh sẽ tính tiếp”. Anh ấy nói rồi nhanh chóng cúp máy, không cho tôi cơ hội phản bác thêm.
Tôi hiểu tính anh, vốn là người không giỏi nói chuyện, hiền lành nhưng rất bướng bỉnh và chịu thương chịu khó, không ngại khó khăn vất vả. Nghe anh nói không nghiêm trọng, tôi cũng yên tâm phần nào. Nhưng nếu anh nói cơn đau nặng, chắc chắn tôi cũng cuống cuồng và tìm cách để anh về ngay lập tức.
Những năm đó, anh rất hiếm khi gọi về nhà, vì chúng tôi phải chắt chiu từng đồng để vượt qua những ngày khó khăn. Ngay cả chi phí cho một cuộc điện thoại cũng là điều mà cả gia đình phải cân nhắc.
Ba bốn ngày sau, tôi gọi lại, thì biết cơn đau không thuyên giảm mà anh ấy vẫn tiếp tục làm việc như cũ. Tôi hỏi vì sao không về nhà, anh nói rằng hiện là mùa cao điểm để bán gạch, công việc ở xưởng rất nhiều, mà lại thiếu nhân công nên ông chủ không cho phép nghỉ.
“Nhưng sức khỏe quan trọng hơn tiền bạc. Nhà mình tuy nghèo nhưng không đến mức phải bất chấp mạng sống, chịu đựng đau đớn như vậy!”. Tôi vừa tức giận vừa đau lòng, lớn tiếng trách móc anh. Nghĩ rằng anh sẽ về ngay, nhưng thêm ba bốn ngày nữa, vẫn không thấy bóng dáng của anh.
Không còn cách nào khác, tôi đành phải hạ thấp lòng tự trọng của mình, tiếp tục thúc giục anh về. Tôi bắt đầu nghi ngờ liệu có phải là do ông chủ không cho phép anh nghỉ, hay chính anh vì muốn kiếm thêm chút tiền lương mà không nỡ bỏ công việc? Nhưng thì ra không phải chồng tôi không muốn về mà muốn tạm ứng tiền công từ chủ để có chi phí chữa bệnh. Nhưng mỗi lần hỏi, ông chủ đều bảo không có tiền, bảo anh chờ thêm vài ngày.
Anh lo lắng chi phí chữa bệnh, tính toán mọi đường để không trở thành gánh nặng, nhưng lại không hay biết rằng sự nhẫn nhịn ấy chỉ làm tôi càng thêm xót xa và rơi nước mắt. Tôi vừa thương vừa giận, đến mức phải tự hỏi liệu có phải anh chưa hề nói với ông chủ rằng anh cần tiền để đi khám bệnh hay không? Anh khẳng định đã giải thích nhiều lần nhưng ông chủ vẫn không trả.
Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa, cuối cùng đã ra lệnh cho anh: “Cho dù ông chủ không đưa cho anh một đồng nào, cho dù em có phải bán cả căn nhà này đi, em cũng sẽ lo được tiền để anh chữa bệnh. Còn về chi phí đi lại, anh có thể tạm thời vay một chút từ đồng nghiệp”.
Khi trở về nhà, tình trạng của anh không chỉ còn là đau nhức ở vai như trước nữa mà lan cả sang cánh tay phải, thậm chí hai ngón tay phải cũng đã bắt đầu tê cứng, không còn cảm giác. Tối đầu tiên ở nhà, cơn đau hành hạ đến mức anh không thể nào chợp mắt. Nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể chờ đến sáng để đi bệnh viện.
Đến ngày 14 tháng 7, tức là đã trôi qua hơn 10 ngày sau khi phát hiện bệnh, chúng tôi mới đi khám. Kết quả chẩn đoán không như chúng tôi tưởng tượng: Không phải hệ quả của việc làm việc quá sức hay một chấn thương nhẹ nào đó, mà là anh đã mắc phải căn bệnh mà bất kỳ ai làm lao động chân tay nặng nhọc đều lo sợ – bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
Tệ hơn là tình trạng bệnh đã trở nên nghiêm trọng với các biến dạng xương và hiện tượng thoái hóa. Từ giây phút ấy, cuộc sống của chúng tôi bước vào một vòng xoáy mới đầy lo toan: Vay tiền, chi tiền, nhập viện.
Trong phòng bệnh, tôi trò chuyện với những người bạn cùng mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Họ đã trải qua và chia sẻ rằng căn bệnh này gần như không thể chữa khỏi hoàn toàn. Điều duy nhất có thể làm để kiểm soát bệnh là duy trì uống thuốc thường xuyên, chuyển từ công việc nặng nhọc sang công việc nhẹ nhàng hơn, hoặc tốt nhất là tránh lao động chân tay trong một khoảng thời gian dài hay thậm chí là thay đổi lối sống.
Tuy nhiên, thực tế là căn bệnh này không thể chữa khỏi và ngay cả khi có khả năng điều trị hiệu quả, chi phí cũng là một gánh nặng vượt quá khả năng của chúng tôi. Chúng tôi chỉ ở lại bệnh viện một tuần. Trong thời gian đó, các bác sĩ đã sử dụng thuốc và phương pháp điều trị để giảm bớt cơn đau dữ dội. Khi cơn đau phần nào dịu lại, chúng tôi cũng nhanh chóng làm thủ tục xuất viện.
Trở về nhà, anh sống cùng những cơn đau dai dẳng như một phần không thể tách rời của cuộc sống từng ngày chờ đợi cơ thể tự phục hồi một cách chậm chạp. Còn tôi, mỗi ngày đều nơm nớp lo sợ, đồng hành cùng anh trong nỗi bất an, sợ rằng chỉ một sơ suất nhỏ, tôi sẽ mất anh mãi mãi.
Sau khi rời khỏi bệnh viện, tôi đã định một mình gánh vác mọi chuyện. Nếu tôi không nói cho ai biết thì chỉ mình tôi phải chịu đựng cảnh vất vả này thôi. Những người thân khác trong gia đình, ít nhất là họ vẫn có thể sống trong sự yên bình và ánh nắng ấm áp của hy vọng. Thế nhưng, thực tế không hề dễ dàng như vậy. Vợ chồng tôi có ba đứa con.
Con gái lớn của chúng tôi đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học, con gái thứ hai thì chuẩn bị chuyển cấp lên cấp ba còn đứa con trai út đang học tiểu học. Đứa lớn vốn rất thông minh, chăm chỉ, điểm số của nó đủ để vào một trường đại học dân lập. Con kể, điểm này là do con làm bài không tốt, nếu phát huy tốt hơn, có thể đạt được kết quả cao hơn.
Dù vậy, con bé lại tự nguyện từ bỏ cơ hội vào ngôi trường đó. Con hiểu hoàn cảnh gia đình mình, hiểu rằng chúng tôi không đủ khả năng để trang trải chi phí cho việc học hành ở một trường như vậy. Con nói rằng muốn dành một năm ôn thi lại, để cố gắng đạt điểm cao hơn, đủ để vào một trường đại học công lập. Học công lập không chỉ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn, mà còn mở ra những cơ hội học tập và tương lai tốt hơn. Con bé tự tin rằng mình có thể làm được điều đó.
Ước mơ nhỏ bé của con, nếu không phải vì căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ của chồng tôi, chắc chắn chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để thực hiện. Nhưng thực tế là bố nó trước giờ chỉ biết làm các công việc nặng nhọc như bốc vác, nay lại mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ, không chỉ mất đi khả năng làm việc, mà còn phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp lâu dài.
Kể cả khi khỏi bệnh, sức lao động của anh ấy cũng chỉ còn phân nửa so với trước đây, mà thu nhập thì chắc chắn không thể bằng ngày xưa. Còn tôi, ngoài việc chăm sóc mẹ già bệnh tật quanh năm, tôi chỉ biết làm ruộng, mà thu nhập từ nông nghiệp thì ít ỏi chẳng đáng kể. Tôi chỉ là một người phụ nữ nông thôn bình thường, không có ai để nhờ vả.
Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời. Nhưng trong hoàn cảnh tàn khốc và nghiệt ngã này, làm sao tôi có thể bảo vệ được tất cả đây?
Con trai tôi còn nhỏ, kể với nó chuyện này cũng chẳng có ích gì. Không còn cách nào khác, tôi buộc phải mở lời với hai đứa con gái lớn: “Hiện tại, chúng ta chỉ có hai con đường để lựa chọn. Một là chúng ta cố gắng hết sức để chữa bệnh cho bố và cho em trai tiếp tục đi học, dù gia đình có khó khăn đến đâu, vẫn cùng nhau cố gắng bám trụ. Nhưng nếu chọn con đường này, các con phải chịu nhiều vất vả hơn.
Còn con đường thứ hai, đó là hai con không cần quan tâm đến gia đình, cứ tiếp tục theo đuổi ước mơ học vấn cao hơn. Nhưng nếu chọn cách đó, có thể bố các con sẽ vì bệnh tật hoặc lao lực mà qua đời. Mà em trai các con còn chưa lên trình độ cấp hai, tương lai sau này sẽ mờ mịt vô cùng”.
Hai con gái đáp: “Chúng con thà nghỉ học, đi làm ngay từ bây giờ, để bố được chữa bệnh và em trai được tiếp tục học hành đến nơi đến chốn”.
Nhìn con gái nước mắt đầm đìa, bố chúng vừa lau nước mắt cho con, vừa an ủi: “Không phải bố vẫn còn khỏe sao, đâu cần nghĩ mọi chuyện bi quan thế”.
Cuối cùng, sau khi cả nhà cùng bàn bạc, chúng tôi quyết định để con gái lớn chọn một trường cao đẳng tốt để học. Bởi vì con bé là chị cả, lớn tuổi nhất, việc học cao đẳng sẽ tiết kiệm hơn so với học đại học và thời gian đào tạo cũng ngắn hơn.
Chỉ cần tốt nghiệp, con bé có thể tự lo cho mình. Trong hoàn cảnh thiếu thốn này, chúng tôi buộc phải ưu tiên từng người một. Nếu con ổn định, sẽ không phải bám vào con thuyền gia đình đã sắp chìm dưới sóng dữ này nữa. Bởi nếu không may, chiếc thuyền ấy hoàn toàn có thể chìm sâu dưới đáy biển, bị sóng gió cuộc đời cuốn trôi.
Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Nếu không tự cứu lấy mình, thì còn biết trông cậy vào ai đây? Phải hiểu rằng gia đình chúng tôi không có người họ hàng nào giàu có để nương nhờ, mọi người xung quanh cũng đang sống chật vật, khó khăn mọi bề. Ngay cả khi muốn đi vay mượn, chúng tôi cũng chẳng biết phải tìm đến ai.
Sau khi thống nhất, tôi và chồng đều cảm thấy rất áy náy. Bởi lẽ trong ba chị em, đứa con gái lớn không chỉ ham học mà từ tiểu học đến trung học phổ thông luôn là học sinh xuất sắc, được mọi người khen ngợi. Vì vậy, tôi hỏi con: “Jun’er, con cảm thấy thiệt thòi hay ấm ức không?”.
Con bé trả lời ngay: “Con không ấm ức ạ”.
“Sao lại không?”.
Con bé đáp: “Cao đẳng không phải chỉ học hai năm là bắt đầu thực tập sao? Điều đó có nghĩa con có thể sớm đi làm. Chỉ cần đi làm kiếm tiền, không chỉ giúp cha mẹ nuôi gia đình, giúp lo cho các em đi học, mà ngay cả khi con muốn tiếp tục học cao hơn, điều đó cũng không phải là không thể”.
Nói xong, trên khuôn mặt của con hiện lên nụ cười rạng rỡ, tựa như ánh nắng bình minh xua tan màn sương u ám. Nụ cười ấy đã làm dịu đi những tâm trạng nặng nề, lo lắng trong lòng vợ chồng tôi.
Các con gái yêu quý của mẹ, mẹ chỉ muốn các con đối mặt rõ ràng với khó khăn, điều này tốt hơn nhiều so với việc để các con mơ hồ bị số phận quật ngã. Nhưng không ngờ các con lại kiên cường và mạnh mẽ đến thế. Từ trong tâm hồn các con, mẹ thấy được lòng hiếu thảo với cha mẹ, tình yêu thương dành cho các em.
Mẹ cũng nhìn thấy ở các con một ý chí không hề buông xuôi bản thân, không để nghịch cảnh làm lùi bước. Trong vô vàn khó khăn chồng chất, các con vẫn không hề thay đổi phương hướng, chỉ tạm dừng lại để cân nhắc và điều chỉnh, rồi lại kiên cường tiếp tục bước về phía mục tiêu mà mình đã đặt ra.
Năm đó, con gái lớn của tôi mới chỉ mười chín tuổi, con gái thứ hai mới mười sáu. Cả hai vẫn còn là những đứa trẻ, nhưng đã có thể như người lớn, biết chăm sóc gia đình và đưa ra những quyết định quan trọng.
Trong cách các con đối mặt với biến cố lần này, tôi không chỉ thấy tương lai của gia đình mình, mà còn thấy hình ảnh đầy sức sống của các con đang chạy về phía trước. Với các con, tôi hoàn toàn hài lòng. Tôi cảm thấy mãn nguyện, rất tự hào về hai đứa con gái của mình.
Hạ An (Dịch từ tiếng Trung)