Xin thoát khỏi hộ nghèo
Chị Y Cân (42 tuổi, người Xơ Đăng, thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum) có 6 người con, nhưng có tới 4 đứa đang độ tuổi đến trường. Nhà có 1ha mì, 1 sào lúa và 500 cây cà phê nên hai vợ chồng làm quần quật cả năm chỉ đủ lo cho các con ăn học.
Thời gian qua, cũng nhờ chăm chỉ làm ăn và được chính quyền địa phương hỗ trợ, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất nên cuộc sống gia đình chị cũng bớt vất vả hơn. Nhận thấy hai vợ chồng có thể lo được cho các con ăn học, chị Y Cân bàn với chồng viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Chẳng mảy may suy nghĩ, chồng chị Cân gật đầu đồng ý ngay.
“Vợ chồng tôi còn trẻ và có sức khoẻ nên muốn cố gắng lao động để kinh tế gia đình ổn định hơn. Trong làng có nhiều người già, sức khoẻ yếu và họ cần sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền hơn chúng tôi. Chính vì vậy vợ chồng tôi quyết định xin thoát khỏi hộ nghèo nhường sự hỗ trợ này cho gia đình khó khăn hơn”, chị Y Cân tâm sự.
Cũng như gia đình chị Y Cân, từ cuối năm 2018 đến nay, vợ chồng anh Triệu Văn Hoài (30 tuổi, dân tộc Nùng, thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, Kon Tum) thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Nhà chẳng có nương rẫy nên vợ chồng anh Hoài trông chờ vào tiền công làm thuê, cuốc mướn. Những khi rảnh rỗi, anh Hoài lại thả lưới đánh cá để cải thiện bữa ăn và kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Còn vợ anh ở nhà nuôi thêm mấy con heo để phụ chồng lo toan cho gia đình.
Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng vợ chồng chị anh Hoài vẫn quyết tâm viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.
“Khi là hộ nghèo mình được Nhà nước hỗ trợ và hưởng nhiều chế độ, chính sách. Mình nghĩ thời gian đầu sẽ hơi khó khăn nhưng mình tin rằng hai vợ chồng có thể làm được. Mình sẽ cố gắng chăm chỉ lao động để kinh tế gia đình ngày càng phát triển”, anh Hoài nói.
Hiệu quả từ công tác tuyên truyền
Chị Y Cân cùng chồng cố gắng làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. |
Theo ông Nguyễn Hữu Sơn, Trưởng thôn Đăk Rơ Wang, toàn thôn có 593 nhân khẩu và có 46 hộ nghèo. Thế nhưng, trong năm 2022 thôn đã giảm được 28 hộ, chỉ còn lại 18 hộ nghèo.
Ông Sơn cho hay, trong 28 hộ thì gia đình anh Triệu Văn Hoài và chị Y Cân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đây là việc làm rất đáng tuyên dương và tấm gương để các hộ khác noi theo, cố gắng lao động, vươn lên thoát nghèo.
Còn ông U Lý – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho hay, việc người dân xin thoát nghèo cho thấy công tác tuyên truyền đã đạt được hiệu quả nhất định. Qua đó, người dân đã thay đổi nếp nghĩ - cách làm, không còn tư tưởng ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.
Không chỉ ở huyện Đăk Hà, trước đó nhiều hộ dân tại huyện Kon Rẫy cũng tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo.
Như trường hợp của gia đình ông A Thinh (52 tuổi, thôn 8, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) dù có 3 người con đang ăn học, nhưng gia đình vẫn cố gắng làm ăn để trang trải cuộc sống.
Với 3 sào mì, 3 sào lúa và hơn 800 gốc cây cà phê chỉ đủ lo cho mấy miệng ăn trong nhà nhưng vợ chồng ông vẫn quyết tâm xin ra khỏi hộ nghèo.
"Trước khi xin ra khỏi hộ nghèo mình biết rằng sẽ không được hưởng một số các chế độ, chính sách hỗ trợ. Thế nhưng gia đình vẫn quyết tâm thoát nghèo, bởi mình không muốn ỷ lại, trông chờ và làm gánh nặng cho Nhà nước. Mình muốn tự vươn lên trong cuộc sống để phát triển kinh tế và làm gương cho các con noi theo”, ông A Thinh bộc bạch.
Tương tự, ngôi nhà mà vợ chồng chị Y Nghiệp (30 tuổi, thôn 5, xã Đăk Tờ Re) sinh sống cũng được Nhà nước hỗ trợ xây dựng cách đây vài năm. Ngoài việc canh tác 1ha mì và 1 sào lúa, gia đình chị còn nhận làm thuê để có thêm tiền trang trải trong cuộc sống hàng ngày.
Thế nhưng còn trẻ và khoẻ nên anh chị vẫn quyết tâm xin thoát nghèo để cố gắng làm ăn lo cho các con.