Tập trung xây dựng các hình thức tạo việc làm cho thanh niên
Để thực hiện công tác này, Tỉnh Đoàn chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Phú Yên đã phối hợp chặt chẽ với ngành lao động tổ chức tốt các hoạt động truyền thông tuyên truyền về chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động tới thanh niên thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động cụ thể.
Đó là Ngày hội việc làm, các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm, tham gia Chiến dịch “Tiếp sức người lao động” tại thành phố Hồ Chí Minh hàng năm. Đồng thời, phát triển và duy trì hoạt động của các điểm tư vấn và giới thiệu việc làm cho thanh niên tại các cơ sở Đoàn. Phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề… Thông qua các hoạt động này, tổ chức Đoàn đã giới thiệu việc làm cho hơn 1.500 thanh niên có việc làm ổn định hàng năm. Đây là tín hiệu tích cực trong công tác xoá đói giảm nghèo tại địa phương.
Cùng với đó, các hoạt động hỗ trợ thanh niên khuyết tật, thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương trong dạy nghề, tiếp cận được công việc, nhà tuyển dụng và có việc làm ổn định cũng được Tỉnh Đoàn, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh quan tâm triển khai.
Cụ thể như Kế hoạch phối hợp cảm hóa, giúp đỡ thanh niên chậm tiến. Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, giai đoạn 2021 - 2025.
Trong thời gian qua, Tỉnh Đoàn đã triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh thông qua các nguồn vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm (Vốn 120), nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội.
Hiện nay, nguồn vốn vay Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm (Vốn 120) do Tỉnh Đoàn quản lý là 908 triệu đồng đã tạo điều kiện cho thanh niên phát triển các mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hơn 100 lao động.
Dư nợ của Đoàn thanh niên thông qua Chương trình ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội tính đến 31/12/2021 đạt 231,3 tỷ đồng với hơn 5.800 đoàn viên, thanh niên được vay vốn để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và tiếp tục học tập.
Nhờ những chương trình, hành động thiết thực, đến nay, số hộ nghèo tại Phú Yên ngày một giảm dần. Cùng với đó, những gia đình không có công ăn việc làm, thu nhập thấp thuộc diện cận nghèo cũng dần “xoá sổ”.
Tỉnh Đoàn cũng cho biết, công tác đào tạo nghề cho thanh niên được triển khai thực hiện dưới 2 hình thức. Một là, phối hợp với ngành lao động, các trường nghề (chủ yếu tư vấn tuyển sinh).
Hai là, dạy nghề trực tiếp thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Phú Yên và Công ty TNHH Thanh niên Xung phong (các đơn vị trực thuộc Tỉnh Đoàn có chức năng tổ chức các khóa đào tạo nghề).
Trong thời gian qua, hoạt động đào tạo nghề của Tỉnh Đoàn chủ yếu được triển khai tới các đối tượng thanh niên đặc thù, như: thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên khuyết tật, bộ đội xuất ngũ...
Hình thức đào tạo nghề cho thanh niên chủ yếu đào tạo nghề ngắn hạn theo nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, hàng năm, Tỉnh Đoàn thành lập các đội trí thức trẻ tổ chức các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở Đoàn tổ chức Hội thi tay nghề các cấp, như: Bàn tay vàng, các cuộc thi tay nghề trong các làng nghề truyền thống...
Tỉnh Đoàn cũng đã chủ động phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, chương trình tập huấn về kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp cho thanh niên. Đó là tập huấn kiến thức về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; phối hợp Hội Doanh nhân trẻ tổ chức các Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên Phú Yên. Chỉ đạo các Huyện, Thị, Thành Đoàn duy trì và phát triển các mô hình “Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế”, “Tổ hợp tác thanh niên”. Tính đến hiện tại, toàn tỉnh có hơn 12 tổ hợp tác thanh niên đang hoạt động và phát triển.
Vẫn còn hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề và tạo việc làm cho thanh niên vẫn còn những hạn chế, khó khăn, cụ thể:
Đó là vai trò của tổ chức Đoàn ở một số địa phương còn nhiều hạn chế trong nắm bắt, tuyên truyền và triển khai thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên. Nhận thức của cán bộ Đoàn cơ sở về nghề nghiệp, việc làm được nâng lên nhưng việc triển khai trên thực tế còn nhiều hạn chế.
Cùng với đó, việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách đối với thanh niên nhất là đối với các đối tượng thanh niên đặc thù, thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ đã đạt được những kết quả nhất định. Nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều thanh niên chưa tiếp cận được với chính sách, chưa tranh thủ được các điều kiện, cơ hội mà Đảng, nhà nước tạo ra để được học nghề và giải quyết việc làm. Vì vậy, nhiều thanh niên vẫn chưa được học nghề, giải quyết việc làm, nhất là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên tuy đã được tổ chức Đoàn đẩy mạnh thực hiện trong thời gian gần đây. Tuy nhiên trên thực tế hoạt động này chưa đạt hiệu quả cao nhất là các hoạt động hướng nghiệp trong các nhà trường (khối Trung học cơ sở, Trung học phổ thông). Công tác tư vấn hướng nghiệp chủ yếu gắn với công tác tư vấn tuyển sinh trước các kỳ thi Đại học, Cao đẳng.
Hơn nữa, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm thanh niên còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động, đội ngũ biên chế chưa được đảm bảo. Điều này dẫn đến chất lượng tư vấn, dạy nghề và giới thiệu việc làm chưa được thực hiện tốt. Công tác tư vấn, giới thiệu thanh niên xuất khẩu lao động còn hạn chế so với tỷ lệ thanh niên cả tỉnh.
Ngoài ra, các nội dung truyền thông về nghề nghiệp, việc làm của Đoàn thanh niên tuy nhiều nhưng chưa tinh tế, thiếu các điểm nhấn và trọng tâm, chất lượng không đều. Do vậy chất lượng truyền thông chưa cao. Đội ngũ cộng tác viên, tư vấn viên về nghề nghiệp, việc làm vẫn chưa được xây dựng.