Vươn lên thoát nghèo
Mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, anh A Nhok (làng Tpôn, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) chật vật làm lụng, nuôi sống bản thân. Chẳng có đất làm ăn nên đói nghèo mãi đeo bám gia đình anh A Nhok.
Năm 2016, chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của anh A Nhok chính quyền địa phương đã trao tặng gia đình một con bò sinh sản. Đồng thời tập huấn, hỗ trợ để anh có kiến thức nuôi, chăm sóc bò phát triển tốt. Cùng với đó, anh vay 20 triệu đồng của Ngân hàng chính sách để đầu tư vào 2ha mì. Đến cuối năm 2020 gia đình anh A Nhok chính thức thoát nghèo.
“May mắn các cấp chính quyền quan tâm cuộc sống gia đình mình mới dần ổn định và thoát nghèo. Giờ đây 2 người con của mình được đến trường đi học đủ đầy như các bạn. Gia đình mình vui lắm và sẽ cố gắng làm lụng, phát triển kinh tế”, anh A Nhok bộc bạch.
Tương tự, anh Đinh Ươn (dân tộc Ba Na) từng là một hộ nghèo tại địa phương. Đến năm 2016 được sự quan tâm của các cấp chính quyền gia đình anh được trao 1 con bò sinh sản. Qua nhiều năm chăm sóc, áp dụng kiến thức bò đã sinh được 5 con.
“Không chỉ hỗ trợ bò giống, chính quyền còn tạo điều kiện, giúp đỡ để gia đình vay vốn Ngân hàng Chính sách. Nhờ vậy mình đã mua được đất trồng 5 ha mì và mía. Đến cuối năm 2020 gia đình mình chính thức thoát nghèo”, anh Đinh Ươn nói.
Ông Đinh Văn Súy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết, với hơn 74% người đồng bào dân tộc thiểu số và là huyện 30a duy nhất của tỉnh Gia Lai thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương luôn xác định giảm nghèo là việc trọng tâm, được đặt lên hàng đầu.
Theo thống kê, đầu năm 2016 tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 94,8%. Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền huyện Kông Chro đã đề ra nhiều giải pháp, lồng ghép các chương trình, dự án, nhằm giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn. Cụ thể, thông qua các chương trình, dự án: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Chương trình 135, 30a,… mà đời sống người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kông Chro ngày càng khởi sắc. Tính đến năm 2021, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 giảm xuống còn 11,03%, tỉ lệ hộ nghèo giảm 42,81%, trung bình mỗi năm giảm 7,14%.
Theo ông Súy thông qua những chương trình, dự án này đời sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Bên cạnh đó, các chính sách về giảm nghèo, kết quả giảm nghèo đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra với cơ sở hạ tầng, đời sống nhân dân vùng khó ngày càng được nâng lên. Ngoài ra, đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, tư duy, cách thức làm ăn của người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện.
Khó khăn trên hành trình giảm nghèo
Các cấp chính quyền thường xuyên tuyên truyền, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế nhằm thoát khỏi đói nghèo. |
Mặc dù gặp nhiều thuận lợi trong quá trình giảm nghèo tại địa phương, thế nhưng huyện Kông Chro cũng gặp không ít những khó khăn.
Theo vị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kông Chro, địa phương thuộc vùng sâu vùng xa nên trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế. Chính vì vậy, việc áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, người dân vẫn giữ một số tập tục văn hoá lạc hậu nên dẫn đến sự kìm hãm về phát triển kinh tế.
Không những thế 2 năm qua, do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên các mặt hàng nông nghiệp giảm giá mạnh. Ngoài ra, vật tư đầu tư cho nông nghiệp tăng giá, mặt hàng nông sản thì không ổn định nên ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế.
Ông Đinh Văn Súy cho hay, để giúp người dân vươn lên thoát nghèo, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Kông Chro đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo gắn với cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm. Bên cạnh đó, đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo vươn lên phát triển và vận động bà con áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tổ chức thực hiện tốt các chương trình về mục tiêu giảm nghèo và nâng cao chất lượng đào tạo nghề…
“Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các ngành tích cực tuyên truyền về thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, đề xuất tới Trung ương, tỉnh phân bố kịp thời nguồn vốn thuộc các chương trình, chính sách nhằm kịp thời triển khai giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”, ông Đinh Văn Súy nói.