Chú trọng giảm nghèo ở huyện vùng biên

GD&TĐ - Những năm qua, huyện biên giới Sa Thầy được Đảng, Nhà nước và các cấp, ban ngành địa phương quan tâm, tạo điều kiện để bà con thoát nghèo bền vững.

Người dân xã vùng biên Mô Rai áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế.
Người dân xã vùng biên Mô Rai áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế.

Quan tâm đời sống người dân

Huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) có 2 xã biên giới là Mô Rai và Rời Kơi tiếp giáp với huyện Tà Veng (tỉnh Ratanakiri, Campuchia). Với chiều dài đường biên giới khoảng 32,5km, nơi đây chủ yếu bà con dân tộc Ha Lăng (Xơ Đăng), Jrai, Rơ Măm sinh sống. Để ổn định cuộc sống và tạo điều kiện giúp người dân vùng biên phát triển kinh tế, những năm qua các cấp chính quyền luôn quan tâm, hỗ trợ.

Theo đó, địa phương nắm bắt tình hình thực tế và nhu cầu của từng hộ dân để có những biện pháp hỗ trợ phù hợp. Với những gia đình khó khăn, chính quyền tạo điều kiện cấp đất ở, sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ sinh kế, giao khoán quản lý bảo vệ rừng từ các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… Qua đó, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống...

Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng tại huyện Sa Thầy được đầu tư đồng bộ, hiệu quả, như: Hệ thống điện phục vụ sản xuất, dân sinh, đường giao thông nội vùng, liên vùng, đường tuần tra biên giới… Đến nay, tất cả các trục đường chính từ trung tâm huyện Sa Thầy đến các xã biên giới, trung tâm huyện được cứng hoá, đảm bảo thuận lợi cho người dân khi di chuyển. Bên cạnh đó, 100% thôn, làng có trục đường chính đến trung tâm xã và hệ thống đường nội thôn, làng được cứng hóa. Đồng thời các trục đường đi khu sản xuất đa số đã được đầu tư phục vụ vận chuyển nông sản cho bà con.

Ngoài ra, được đầu tư các hệ thống hồ đập, kênh mương thủy lợi sử dụng để tưới tiêu, chợ khu vực phục vụ nhu cầu trao đổi, giao thương hàng hóa. Bên cạnh đó, đầu tư, xây dựng 2 dự án tái định cư và phát triển cơ sở hạ tầng tại xã Mô Rai…Đặc biệt tất cả bà con đều được sử dụng điện lưới để phục vụ cuộc sống và sản xuất.

Những năm qua, các cấp chính quyền cũng đặc biệt chú trọng về an sinh xã hội, y tế, giáo dục cho các xã vùng biên. Để đảm bảo nhu cầu dạy học, mạng lưới trường lớp đã được phủ khắp các xã. Từ đó, học sinh các cấp đi lại thuận lợi, tạo điều kiện phát triển giáo dục toàn diện.

Bên cạnh đó, hiện nay 100% các xã đều có trạm y tế đạt chuẩn và đội ngũ y, bác sĩ khám chữa bệnh cho người dân. Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, những năm qua tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 2 xã biên giới giảm mạnh. Đầu năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo đạt 57,78% nhưng đến cuối năm 2021 đã giảm xuống còn 4,21%.

Đẩy nhanh quá trình thoát nghèo bền vững

Cán bộ địa phương đến thăm hỏi, tuyên truyền pháp luật cho người dân vùng biên.
Cán bộ địa phương đến thăm hỏi, tuyên truyền pháp luật cho người dân vùng biên.

Ông Nguyễn Đăng Bảo – Trưởng phòng Dân tộc huyện Sa Thầy cho biết, để giúp đời sống bà con từng bước ổn định và phát triển, địa phương đã kêu gọi và thu hút đầu tư Dự án bò sữa TH trên địa bàn xã Mô Rai. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm ổn định, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Không những vậy, địa phương còn có sự đồng hành của Đoàn kinh tế quốc phòng 78 đã hỗ trợ kinh phí và hàng nghìn ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội. Qua đó, tạo điều kiện giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, bỏ dần các hủ tục lạc hậu và xây dựng đời sống văn hóa.

Theo ông Bảo, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền đời sống bà con, đặc biệt là người dân tộc thiểu số được nâng lên đáng kể. Đồng thời, hệ thống hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới ngày càng khang trang và hoàn thiện.

Mặc dù có nhiều thuận lợi, thế nhưng địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn trong việc hỗ trợ, giúp đỡ để người dân thoát nghèo. Theo đó, trình độ nhận thức của người dân còn thấp, một số hủ tục, tập tục lạc hậu vẫn tồn tại. Qua đó, gây ra một số khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động. Đặc biệt một bộ phận người dân còn “ngại” lao động để vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.

“Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Bên cạnh đó tham gia các mô hình sản xuất, hợp tác xã hay tổ liên kết để có thể tiếp cận và áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời phát triển kinh tế theo hướng chuỗi giá trị, hàng hóa. Bởi địa phương luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động là sợi chỉ xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các đề án, chính sách đối với phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ngoài ra, huyện cũng đề nghị Trung ương, tỉnh có thêm chính sách hỗ trợ về vốn và các chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy nhanh quá trình thoát nghèo bền vững”, ông Bảo chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ