Trước câu hỏi này, các chuyên gia tư vấn sẽ đưa ra danh sách những nhóm ngành có nhu cầu, mức lương “hot”, theo các khảo sát a, b, c…
Hướng nghiệp theo ngành, lương “hot” là thực tế nhiều thí sinh đang theo đuổi. Cũng không có gì sai khi người học mơ ước một việc làm có nhu cầu tuyển dụng cao, lương nhiều. Thế nhưng nếu học sinh chỉ nhìn thấy vẻ lấp lánh của lương cao, nhu cầu khủng, mà không được “cận cảnh” cả những “đau thương” của nghề nghiệp thì rất dễ vỡ mộng khi sánh duyên. Bởi nghề nào cũng có những áp lực, mặt trái. Nghề lương càng cao, áp lực càng lớn, mặt trái cũng sẽ nhiều.
Tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận với nghề theo hướng trực quan sinh động, trải nghiệm càng nhiều càng tốt, để các em có thể hiểu toàn diện về nghề nghiệp muốn hướng đến, từ đó có lựa chọn tốt nhất là mô hình hướng nghiệp khá hiệu quả trong những năm gần đây. Ngày càng có nhiều trường học tổ chức đưa học sinh tham quan công trường, trang trại, bệnh viện, trạm nuôi trồng thủy sản, cơ quan truyền thông…
Tại đây, các em được xem nhân viên làm việc, vận hành máy móc, thực hiện quy trình, kỷ luật lao động... Đặc biệt, thực hiện Chương trình GDPT 2018, môn học Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp được đưa vào chương trình trung học, học sinh có thêm cơ hội để trải nghiệm thực tế nghề nghiệp nhiều hơn, toàn diện hơn.
Là mô hình hướng nghiệp hiệu quả, thế nhưng đến nay chưa nhiều công ty, doanh nghiệp rộng cửa cho học sinh tham quan trải nghiệm. Lãnh đạo nhiều trường học cho biết loay hoay mãi trường cũng chỉ tổ chức cho học sinh tham quan được 2 - 3 địa chỉ nhà máy, doanh nghiệp, chủ yếu nhờ quan hệ cá nhân. “Chúng tôi bận rộn lắm” vẫn là câu ban giám hiệu các trường nhận được mỗi khi gõ cửa xin kết nối cho học sinh tham quan.
Không ít doanh nghiệp lấy lý do cho học sinh vào tham quan sẽ làm công nhân mất tập trung hoặc lo các em nghịch ngợm làm hư hỏng trang thiết bị, ảnh hưởng đến quy trình làm việc bình thường, lo lộ bí mật công nghệ... Một số doanh nghiệp cho rằng, họ không được lợi gì trong chuyện phối hợp nhà trường hướng nghiệp. Bởi dù tham gia hỗ trợ giáo dục nhiều đến đâu thì thuế vẫn phải đóng đủ, chưa kể khi mở cửa cho học sinh tham quan, họ cũng tốn kém chi phí ít nhiều. Mở cửa đón học sinh hay không, hiện này là tùy tâm của doanh nghiệp, chứ chưa phải từ lợi ích, trách nhiệm luật định.
Thực tế, việc doanh nghiệp chung tay cùng nhà trường trong hướng nghiệp là một mối quan hệ “win-win”, hai bên đều có lợi. Tại các quốc gia phát triển, doanh nghiệp được chính phủ xây dựng chính sách khuyến khích tham gia sâu vào hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường. Tham gia hướng nghiệp cho học sinh doanh nghiệp không chỉ đóng góp vào sự phát triển xã hội, gắn với đạo đức kinh doanh, mà thực tế còn đạt được lợi ích thiết thực về nhận diện thương hiệu. Đặc biệt với các doanh nghiệp địa phương, đón đầu phối hợp hướng nghiệp sớm cho học sinh, đồng nghĩa với việc họ nắm giữ tài nguyên nhân lực tương lai bền vững.
Hướng nghiệp cho học sinh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, bên cạnh trọng trách của nhà trường, rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các thành phần xã hội khác, đặc biệt là các doanh nghiệp. Tăng cường công tác truyền thông để doanh nghiệp nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm với giáo dục là rất cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ. Hoàn thiện chính sách pháp luật và xây dựng cơ chế phối hợp để tăng cường mức độ gắn kết mới là đường đi dài lâu.
Chỉ khi trách nhiệm của doanh nghiệp với giáo dục được luật định, mối quan hệ giữa hai bên đạt được “win-win”, thì công tác hướng nghiệp mới đạt hiệu quả cao và theo đó hệ sinh thái đào tạo, cộng đồng học tập của từng địa phương mới được kiến tạo và phát triển bền vững.