Dù lợi ích là không thể phủ nhận, nhưng siêu AI này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt trong giáo dục, đào tạo.
Một học sinh trường THPT chuyên tại Hà Nội chia sẻ đã sử dụng ChatGPT hơn một năm nay để giải quyết nỗi lo lắng với môn Ngữ văn. Thời gian đầu, cách làm đó giúp em giảm nhiều áp lực với môn học không phải sở trường, đặc biệt phần viết nghị luận xã hội. Chỉ cần biết cách đặt câu hỏi thật chi tiết, bám sát dàn ý theo hướng dẫn của giáo viên là có thể hoàn thành hơn 80% bài viết chỉ trong khoảng 30 giây, nhờ ChatGPT.
Phần còn lại là kiểm tra lại độ chính xác của thông tin và “gia cố” thêm. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, học sinh này nhận ra vấn đề của mình khi mất dần sự tự chủ, không muốn và khó động não cho bất kỳ bài làm văn nào giáo viên giao. Em khó khăn khi phải tự suy nghĩ để có ý tưởng triển khai bài viết, khó diễn đạt suy nghĩ thành lời văn; bởi vậy không thể hoàn thành bài kiểm tra trên lớp nếu không có sự trợ giúp của ChatGPT. Nhận ra vấn đề, nhưng “cai” hoặc sử dụng công cụ này một cách lành mạnh không dễ dàng.
Hiện nay, môn Ngữ văn không còn sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa để ra đề kiểm tra, đề thi, mục đích nhằm ngăn ngừa tình trạng văn mẫu, phát huy tính tích cực của học sinh trong học tập. Tuy nhiên, ChatGPT dường như đem đến nỗi lo lớn hơn vì có thể cung cấp câu trả lời cho bất cứ câu hỏi nào, lúc nào; tuy nhiên, chất lượng “bài văn mẫu” là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo chưa bảo đảm về độ chính xác, tính học thuật… Không chỉ Ngữ văn, nỗi lo với các môn học khác khi có sự xuất hiện của ChatGPT cũng tương tự.
Tại Việt Nam, dù học sinh sử dụng ChatGPT chưa thực sự phổ biến, nhưng chắc chắn ngày càng gia tăng. Nhiều giáo viên trong bối cảnh này đã tự rút kinh nghiệm, kỹ năng để nhận diện được sản phẩm học tập của ChatGPT, không phải thực sự do người học thực hiện; hướng dẫn học sinh cách tận dụng, coi AI là công cụ hỗ trợ việc học chứ không phải làm thay, làm hộ; giúp học sinh hiểu hậu quả khi lạm dụng công nghệ và bị phụ thuộc; có hình thức xử lý nghiêm khắc với người học thiếu trung thực...
Một giải pháp hiệu quả, nhưng cũng yêu cầu cao ở giáo viên đó là thiết kế được những câu hỏi, bài tập phát triển năng lực, khó có được câu trả lời từ sao chép, tổng hợp từ nguồn trực tuyến. Tuy nhiên, không ít giáo viên lúng túng trước hiện tượng học sinh phụ thuộc vào AI, ChatGPT ngày càng nhiều.
Lo ngại lạm dụng ChatGPT khiến học sinh, sinh viên mất dần kỹ năng học tập, nhiều cơ sở giáo dục ở một số quốc gia đã nghiêm cấm người học sử dụng công cụ này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cấm sử dụng ChatGPT là quan điểm bảo thủ và thay vì cấm, nên nghĩ cách để tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo một cách hữu ích, hiệu quả, làm nền sự tiến bộ.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ GD&ĐT từng tổ chức hội thảo để các chuyên gia công nghệ, giáo dục thảo luận giải pháp, qua đó có thể phát huy tính năng, lợi thế của ChatGPT nói riêng, trí tuệ nhân tạo nói chung; hạn chế những mặt trái, tác động tiêu cực của công nghệ... Đây là một trong những tham khảo, giúp Bộ GD&ĐT nghiên cứu thấu đáo, từng bước rà soát và có những điều chỉnh về chính sách trong bối cảnh công nghệ đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến giáo dục, đào tạo.