Mới đây nhất, kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, cả nước có 276 nghìn thí sinh thực hiện điều chỉnh. Đa số các em điều chỉnh nguyện vọng theo kết quả điểm thi cho sát với tình hình thực tế từng trường, ít trường hợp điều chỉnh nguyện vọng ngành học. Điều này cho thấy phần lớn thí sinh khá tự tin với lựa chọn ban đầu của mình. Trước đó, theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2020 có tới 257.030 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp (chiếm gần 29%), tăng hơn năm 2019. Số thí sinh dự thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học giảm gần 10 nghìn người so với năm trước.
Một diễn biến khác, những ngày gần đây, trong khi nhiều trường đại học đang lo làm sao để tuyển sinh đủ chỉ tiêu, thì ở khối cao đẳng dạy nghề, không ít đơn vị đã tuyển đủ và tiến hành thủ tục nhập học. Như Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức có hơn 3.000 thí sinh nhập học và đóng học phí đầy đủ; Trường Cao đẳng Cao Thắng cũng tuyển đủ 6.000 chỉ tiêu, thí sinh bước vào sinh hoạt đầu khóa. Trước đó, mùa tuyển sinh 2019, Trường CĐ nghề Bách khoa Hà Nội, CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội không chỉ đạt chỉ tiêu tuyển sinh tốt mà nhiều thí sinh còn có điểm đầu vào cao. Các em đã ý thức khá rõ thực trạng thừa thầy thiếu thợ trong xã hội và không còn ảo tưởng vào đại học bằng mọi giá.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự dịch chuyển trong việc chọn ngành, trường của thí sinh. Thông tin tuyển dụng, ngành nghề, nhu cầu lao động, thu nhập… của từng trình độ đào tạo được phổ biến rộng rãi đã tác động đáng kể đến nhận thức học sinh và việc chọn nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trở thành tất yếu. Việc đa dạng hóa các phương thức xét tuyển rộng cửa cho đường vào đại học, thế nhưng, trong xu thế tự chủ tài chính, học phí đại học tăng, đặc biệt từ năm học 2020 - 2021, nhiều đơn vị đào tạo có mức tăng khá chóng mặt khiến người học có sự cân nhắc. Trong khi đó, khối cao đẳng - dạy nghề không ngừng nâng cao chất lượng, tăng cường hợp tác doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra, thời gian đào tạo ngắn, khả năng liên thông cao, học phí thấp, có ngành/bậc học gần như không học phí… là lợi thế không nhỏ.
Song song với những chuyển biến của thị trường lao động, chính sách chung của Nhà nước, đơn vị đào tạo, công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông có nhiều đổi mới, đã tác động hiệu quả đến công tác phân luồng, đặc biệt từ sau Quyết định số 522/TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Các trường phổ thông đã quan tâm đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp hơn thông qua các môn học và hoạt động giáo dục, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách với người học, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động... Bên cạnh đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp, nhiều trường học còn huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp...
Chuyển biến tích cực trong nhận thức về hướng nghiệp của thí sinh là thành quả bước đầu trong công tác hướng nghiệp, phân luồng. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu như mong muốn vẫn còn khá nhiều gian nan, trong đó khó nhất vẫn là tình trạng thiếu đội ngũ làm công tác tư vấn có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng. Trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa chất lượng cung và cầu cũng như cơ cấu lao động. Nguồn nhân lực có phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hay không phụ thuộc một phần vào công tác hướng nghiệp hôm nay. Thực tiễn này đòi hỏi công tác hướng nghiệp trong nhà trường tới đây cần phải được nâng lên một bước nữa, đặc biệt cần chuyên nghiệp hóa khâu nhân sự hướng nghiệp.