Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18; báo cáo tình hình kinh tế, xã hội 11 tháng năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế, xã hội năm 2025; tập trung các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế phát triển diễn ra mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt câu hỏi: Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ, là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là không thể chậm trễ hơn được nữa.
Thực tế, việc sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị được đặt ra từ lâu. Cụ thể, tại Nghị quyết 18/2017 Trung ương 6 khóa 12 đã đưa ra chủ trương tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lặp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận khoa học, thận trọng về việc này. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ phải tập trung chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép”.
Bộ Chính trị cũng đã kết luận và chỉ đạo trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ khóa 15 như khóa 14. Vì vậy, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề nghị Quốc hội, trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 như khóa 14 và được Quốc hội chấp thuận.
Như đánh giá của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết có tiêu đề “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” thì sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, dù đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể. Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Chính vì vậy, cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối.
Việc phân định phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của các bộ chưa triệt để; một số nhiệm vụ liên thông, gắn kết nhau hoặc cùng một lĩnh vực nhưng giao cho nhiều bộ quản lý. Bộ máy trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng, gia tăng tình trạng “bộ trong bộ”…
Như vậy có thể thấy, việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước. Vấn đề này đã được nhiều đại hội Đảng từ các nhiệm kỳ trước đặt ra, đặc biệt là Đại hội 12 đến nay.
Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Nhưng chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải uống thuốc đắng, phải chịu đau để phẫu thuật khối u - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Bởi vậy, vấn đề còn lại là các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.