Hướng nghiệp từ gốc

GD&TĐ - Thời điểm học sinh lớp 9 và lớp 12 kết thúc thi học kỳ I cũng là lúc rộ nở các hoạt động tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp chuẩn bị cho mùa tuyển sinh 2021.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Không chỉ tổ chức các chương trình tư vấn độc lập trực tuyến và trực tiếp, nhiều trường ĐH, CĐ, trung cấp còn phối hợp với các đơn vị truyền thông, doanh nghiệp, chuyên gia hướng nghiệp khởi động tổ chức Ngày hội tư vấn nghề nghiệp, Khám phá trường học… quy mô lớn ở các tỉnh thành khác nhau.

Điểm chung của các chương trình là thu hút đông đảo sự tham gia của học sinh và phụ huynh. Điều này chứng tỏ nhu cầu thông tin về hướng nghiệp rất lớn và các chương trình đã phần nào mang đến nội dung bổ ích, thỏa cơn khát cho những ai quan tâm. Thế nhưng, khách quan mà nói, dù giải quyết được một phần nhu cầu của phụ huynh, học sinh song các mô hình tư vấn đến hẹn lại lên này chỉ giải quyết được phần ngọn của công tác hướng nghiệp. 

Thực tế cho thấy nhiều năm qua, dù các trường học, tổ chức, đơn vị nỗ lực mở các chương trình tư vấn, đưa trường học đến thí sinh nhưng cách làm này vẫn chưa tạo được hiệu quả như mong muốn. Một khảo sát gần đây của dự án giáo dục đại học được Ngân hàng Thế giới tài trợ cho kết quả khoảng 60%  sinh viên các trường đại học nước ta phải đào tạo bổ sung, trong đó có nhiều trường hợp phải thay đổi ngành học do chọn nhầm nghề, không phù hợp năng lực và sở thích cá nhân.

Tình trạng chọn nghề theo phong trào, nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền mà không quan tâm nghề đó có phù hợp với mình, có gắn với nhu cầu xã hội không là một thực tế cho thật. Hướng nghiệp chưa phù hợp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian, tiền bạc của người học mà còn tác động xấu đến chất lượng nhân lực, làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hướng nghiệp hiệu quả, bền vững phải đi trước tuyển sinh một bước, phải làm từ gốc. Thế nhưng, trong nhà trường phổ thông hiện nay, để xây cái gốc cho vững lại gặp quá nhiều rào cản. Hiện, không có biên chế chính thức làm công tác tư vấn/hướng nghiệp, thường công tác này do giáo viên chủ nhiệm hoặc một vài bộ môn kiêm nhiệm.

Thiếu đội ngũ chuyên gia am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp, thực tế ngành nghề, thông tin thị trường lao động để định hướng cho học sinh nên chất lượng tư vấn chưa bảo đảm. Tình trạng thiếu các phương tiện, tài liệu tham khảo cập nhật về nghề nghiệp và thị trường lao động... khá phổ biến. Các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn cũng chưa mặn mà phối hợp với trường học trong việc giúp học sinh “cận cảnh” trải nghiệm nghề nghiệp… Tâm lý phụ huynh, học sinh và xã hội nói chung vẫn có những phân biệt về thầy - thợ.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra nhiều bài toán mới cho thị trường lao động, đòi hỏi công tác tư vấn hướng nghiệp phải đặt trước tuyển sinh, cần làm căn cơ từ gốc chứ không cố sửa ngọn.

Trong Chương trình GDPT 2018, giáo dục hướng nghiệp được quan tâm từ bậc tiểu học, tích hợp vào nội dung giáo dục của một số môn học, hoạt động giáo dục như tự nhiên và xã hội, khoa học, Tiếng Việt, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm.

Ở cấp THCS, giáo dục hướng nghiệp tiếp tục được tích hợp vào các môn học, đồng thời được biên soạn thành một số chủ đề ở các môn Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong hai năm học cuối cấp. Ở cấp THPT, giáo dục hướng nghiệp được thực hiện ở tất cả môn học và hoạt động giáo dục.

Định hướng trong chương trình đã rõ nhưng để giáo dục hướng nghiệp đạt hiệu quả,  thực tế cho thấy chỉ mỗi sự nỗ lực của nhà trường phổ thông là chưa đủ. Đẩy mạnh và chuyên nghiệp hóa công tác hướng nghiệp ngay từ gốc rất cần sự sát cánh, chung tay của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động - việc làm; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề; cơ quan nghiên cứu dự báo nguồn nhân lực và nghề nghiệp; cơ quan truyền thông và phụ huynh, học sinh! 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ