Bài toán hướng nghiệp

GD&TĐ - Thí sinh có xu hướng chọn ngành nghề theo số đông, chỉ tập trung vào ngành hot, “việc nhẹ lương cao” khiến cho một số ngành, dù xã hội có nhu cầu cao về nhân lực nhưng vẫn không tuyển sinh được. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT trong Hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐSP năm 2021, 5 nhóm ngành có tỉ lệ tuyển sinh thấp, chỉ từ 41% - 60% chỉ tiêu, gồm Khoa học tự nhiên, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, Môi trường và bảo vệ môi trường. Đây là những ngành truyền thống trong kinh tế của Việt Nam và nhu cầu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao rất lớn. 

Phân tích bức tranh tuyển sinh những năm gần đây cho thấy, ngay cả trường ĐH tốp đầu vẫn có ngành khó tuyển sinh, điểm chuẩn thấp nhưng vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu. Như ngành Y tế công cộng của các trường đào tạo khối ngành sức khỏe, ngành liên quan đến môi trường, công nghệ thực phẩm, xây dựng, cầu đường… số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển đều thấp hơn rất nhiều các khối ngành thời thượng như công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, y đa khoa, răng hàm mặt, tài chính ngân hàng, kế toán… 

Nguyên nhân của tình trạng lệnh pha trong “cung” – “cầu” nguồn nhân lực, theo phân tích của một số chuyên gia, do thí sinh và phụ huynh không được cung cấp thông tin đầy đủ về nhu cầu của thị trường lao động. Học sinh khi đọc tên ngành đào tạo không hình dung được vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường. Các cơ sở giáo dục ĐH và cả các trường phổ thông đều có chương trình tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp cho HS. Nhưng để tư vấn chuyên sâu đòi hỏi phải đầu tư về thời gian chứ không thể “chớp nhoáng” như cách làm của các ngày hội tư vấn tuyển sinh đang diễn ra trước thời điểm HS lớp 12 làm hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. 

Tư vấn hướng nghiệp ở phổ thông là một quá trình và phải tiến hành từ sớm. Làm sao để khi kết thúc năm học lớp 9, HS phải có những hiểu biết cơ bản về nghề nghiệp phổ biến của xã hội, hình thành được quan niệm đúng đắn về ngành nghề, biết được sở thích của cá nhân về một số công việc nhất định. Nhiều GV khi tư vấn hướng nghiệp cho HS lớp 12 đã than trời vì gần như các em chỉ quan tâm đến những công việc nhẹ nhàng, “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”, ngành nghề thời thượng trong xã hội mà bỏ qua các nghề nghiệp có tính chất nặng nhọc hoặc điều kiện làm việc hơi vất vả, không tập trung tại các thành phố lớn như địa chất, môi trường, cầu đường… 

Chính vì vậy, trong công tác hướng nghiệp ở phổ thông, phải giúp HS hiểu cặn kẽ, tường tận về các ngành nghề. HS thấy được những giá trị, đóng góp của ngành đó trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như sự phù hợp của bản thân. Quan trọng hơn cả, HS, phụ huynh và các trường phổ thông phải được tiếp cận với những thông tin về nhu cầu nguồn nhân lực của các địa phương trong trung hạn. 

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa đẩy mạnh việc cập nhật nội dung chương trình đào tạo, liên kết với doanh nghiệp để cam kết về đầu ra sau khi SV tốt nghiệp. Với xu hướng chọn ngành nghề theo học chính là đầu tư cho tương lai, nếu có sự cam kết tốt về đầu ra, người học sẽ yên tâm hơn với chọn lựa của mình.

Như cách làm của Trường ĐH Nha Trang, ngoài chính sách học bổng, trường làm việc với chi cục thủy sản các tỉnh để thống nhất đề nghị Chính phủ có chính sách đặc thù (miễn học phí) và đề xuất nhu cầu nhân lực trong 5 - 10 năm tới nhằm có hướng đi và lộ trình đào tạo nhân lực cụ thể. Hay Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, đã xây dựng các chính sách thu hút với các ngành nghề khó tuyển như học bổng đặc thù, cam kết việc làm với người học. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.