Xây dựng giá điện - cần ổn định hơn

GD&TĐ - Chuyên gia đề xuất nên chăng, thay vì rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện cần xây dựng giá điện 2 thành phần...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tại dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang được lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xuống còn 2 tháng kể từ lần thay đổi gần nhất.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, cần sửa đổi nguyên tắc về mức, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân để phù hợp với Luật Điện lực (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, giá bán lẻ điện cần được phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ với lợi nhuận hợp lý để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh.

Bộ Công Thương nhấn mạnh thêm rằng, hiện nay các thông số đầu vào trong tính toán giá điện có sự biến động khá lớn trong thời gian ngắn và cần phải phản ánh kịp thời để hạn chế sự tác động của thông số đầu vào đến mức điều chỉnh giá điện.

Do đó, dự thảo Nghị định đề xuất khi giá bán điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán hiện hành thì được phép điều chỉnh tăng. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 2 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất…

Hiện nay, giá điện đang được thực hiện theo Quyết định số 05 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ 15/5/2024, thời gian điều chỉnh giá điện là 3 tháng/lần.

Nếu dự thảo Nghị định này được thông qua, mỗi năm giá điện có thể sẽ có 6 đợt thay đổi. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là có nên điều chỉnh giá điện với tần suất 2 tháng/lần và liệu có khả thi?

Ý kiến tán thành thì cho rằng, chính sách điều chỉnh cần rút ngắn, kịp thời và sát chi phí thực tế sản xuất điện trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào thường xuyên biến động theo thế giới. Ngoài ra, việc này cũng giúp giảm áp lực, rủi ro về tài chính cho doanh nghiệp cung cấp điện và khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Ngược lại, ý kiến không tán thành thì cho rằng, nên có cách điều hành giá điện mang tính ổn định hơn. Giá điện là một trong những khoản chi lớn của một số ngành như cơ khí, công nghệ... nên việc điều chỉnh liên tục trong năm sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tính toán, dự trù.

Hơn nữa, việc điều chỉnh giá điện còn phụ thuộc vào giá thành bình quân của hệ thống, liên quan đến hàng loạt chi phí như phát điện, truyền tải, phân phối… nên rất phức tạp, đòi hỏi sự minh bạch, công bằng. Hiện chi phí sản xuất điện cho từng loại điện, từng khâu vận hành ở nước ta cũng chưa rõ nên việc điều chỉnh giá bán 2 tháng/lần là quá ngắn và không đủ cơ sở để điều chỉnh…

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia khác phân tích, sau khi có Luật Điện lực, có cơ chế mua bán điện trực tiếp và thí điểm tính giá điện 2 thành phần… nhưng lại điều hành giá điện 2 tháng/lần là hơi lạ.

Chính phủ đang nỗ lực xây dựng thị trường điện có sự cạnh tranh lành mạnh nên vấn đề không phải thời gian điều chỉnh giá điện mà phải bảo đảm yếu tố minh bạch. Hơn nữa, chính sách điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần cũng chưa có đánh giá hiệu quả như thế nào, thời gian áp dụng cũng chưa lâu nay lại thay đổi cũng là điều khó hiểu.

Bởi vậy nên chăng, thay vì rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện cần xây dựng giá điện 2 thành phần - vị chuyên gia này đề xuất.

Giống như xăng dầu, điện là hàng hóa thiết yếu đặc biệt trong đời sống cũng như của nền kinh tế. Cụ thể, theo tính toán, tùy quy mô, lĩnh vực, điện thường chiếm 4 - 10% trong cơ cấu giá vốn hàng bán của doanh nghiệp.

Đối với nền kinh tế, nếu giá năng lượng tăng 8% thì GDP giảm 0,36%; CPI tăng 0,4 - 0,5%. Bởi vậy, việc tăng giá cần được cân nhắc kỹ lưỡng và cần có kế hoạch, lộ trình, mức độ, thời điểm phù hợp nhằm bảo đảm tính thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ