Chuyện tăng giá điện

GD&TĐ - Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để điều chỉnh giá điện tăng lần này dựa trên 3 cơ sở quan trọng là chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Sau hai lần tăng giá vào tháng 5 và tháng 11/2023, lần đầu tiên trong năm 2024, giá bán điện bình quân chưa bao gồm thuế VAT được điều chỉnh tăng từ 2.000,79 đồng lên 2.103,1159 đồng, tương đương tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành kể từ ngày 11/10.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để điều chỉnh giá điện tăng lần này dựa trên 3 cơ sở quan trọng là chính trị, pháp lý và thực tiễn. Theo đó, về cơ sở chính trị là triển khai Nghị quyết số 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có yêu cầu áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng và xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định.

Về cơ sở pháp lý, việc điều chỉnh giá bán lẻ lần này được thực hiện theo Quyết định số 05/2024 ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Về cơ sở thực tiễn, theo EVN, giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào về sản lượng điện phát, giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ. Với các yếu tố đầu vào nêu trên, khi có biến động lớn sẽ tác động lớn đến giá thành khâu phát điện cũng như giá thành điện thương phẩm…

Về tác động, ảnh hưởng của việc tăng giá điện, đại diện EVN cho biết, sau khi tăng giá điện, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng khoảng 0,04%. Đây là mức thấp nhất đã được Chính phủ và các bộ, ngành cân đối. Với khách hàng sinh hoạt sử dụng điện ở mức từ 200 kWh/tháng trở xuống sẽ không ảnh hưởng lớn bởi mỗi tháng chỉ tăng thêm 13.800 đồng.

Mức sử dụng điện trên 200 - 300 kWh/tháng, tăng bình quân 32.000 đồng; với hộ sử dụng điện từ 300 - 400 kWh/tháng, mức tăng thêm 47.000 đồng; các hộ sử dụng từ 400 kWh trở lên là 62.000 đồng.

Đối với 547.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ, mỗi hộ trả bình quân tăng là 247.000 đồng. Với 1,921 triệu khách hàng là hộ sản xuất, mức tăng này sẽ khiến tiền điện tăng 499.000 đồng/tháng; 691.000 khách hàng là xí nghiệp tăng 91.000 đồng.

Tại Tọa đàm Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp diễn ra mới đây, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, qua số liệu kiểm tra liên ngành được công bố, giá thành điện là 2.088 đồng/kWh và giá bán bình quân 1.953 đồng/kWh, tức giá thành điện cao hơn giá bán điện bình quân 6,92%.

Đây là tình trạng mua cao, bán thấp, đầu vào thì theo thị trường nhưng đầu ra lại không tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ các chi phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Điều này gây rất nhiều hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện cũng như cho các ngành sử dụng điện và cho cả nền kinh tế.

Một đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh, giá bán điện thấp hơn giá sản xuất đã đẩy các nhà phân phối điện vào thế khó. Việc tiếp tục bán điện với giá thấp hơn chi phí sản xuất không chỉ gây thiệt hại cho nhà phân phối mà về lâu dài còn ảnh hưởng đến nhà sản xuất điện, kéo theo những hậu quả cho nền kinh tế.

Hệ quả của sự bất cập này là nguy cơ mất an ninh năng lượng. Khi giá điện không bù đắp đủ chi phí sản xuất, các nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ mất động lực để tiếp tục mở rộng hoặc duy trì sản xuất.

Đối với tăng giá điện, đương nhiên dù tăng ít hay nhiều cũng sẽ ảnh hưởng nhất định tới người dân, doanh nghiệp. Và trong bối cảnh hiện nay, việc phải điều chỉnh tăng giá là không tránh khỏi.

Tuy nhiên, cả về trước mắt cũng như lâu dài, điều quan trọng phải đi kèm khi tăng giá là minh bạch hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành. Cụ thể, phải tính đúng, tính đủ các yếu tố đầu vào của giá điện, bảo đảm giá điện vừa hợp lý, doanh nghiệp có lợi nhuận, có động lực đầu tư, đồng thời hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một khúc sông Swindale Beck, Vương quốc Anh.

'Uốn cong' sông để ngừa lũ

GD&TĐ - Trong nhiều thế kỉ, những dòng sông quanh co đã được 'nắn thẳng' để dành chỗ cho các công trình của loài người.