Việt Nam thế kỉ X: Những mảnh vỡ lịch sử

GD&TĐ - Chiều nay (28/3), Nhà xuất bản ĐH Sư phạm (Trường ĐHSP Hà Nội) tổ chức tọa đàm và ra mắt cuốn sách "Việt Nam thế kỉ X: Những mảnh vỡ lịch sử". Tác giả cuốn sách này là TS Trần Trọng Dương - Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Tác giả Trần Trọng Dương (phải ảnh) và khách mời trao đổi tại lễ ra mắt sách "Việt Nam thế kỉ X: Những mảnh vỡ lịch sử"
Tác giả Trần Trọng Dương (phải ảnh) và khách mời trao đổi tại lễ ra mắt sách "Việt Nam thế kỉ X: Những mảnh vỡ lịch sử"

Thế kỷ X là một giai đoạn bản lề giữa Bắc thuộc và Độc lập, là một thế kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ người Việt trong công cuộc chấm dứt ách đô hộ của phương Bắc, xây dựng nền độc lập dân tộc, tiến tới thiết lập những mô hình nhà nước. Một thế kỷ quan trọng như vậy, trước nay đã có một số công trình nghiên cứu, và đã đạt được nhiều thành tựu. Vậy cuốn sách "Việt Nam thế kỉ X: Những mảnh vỡ lịch sử" liệu có trình bày được nhận thức gì mới về lịch sử giai đoạn này?

Giải đáp câu hỏi này, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính khi viết lời tựa cho sách, chia sẻ: "Cuốn sách Việt Nam thế kỉ X: Những mảnh vỡ lịch sử" là tác phẩm bao gồm “những mảnh vỡ lịch sử” gắn với các nhân vật, sự kiện và địa danh... của Việt Nam thế kỉ X.

Nhân vật lịch sử được viết đến nhiều nhất là Đinh Bộ Lĩnh. Với việc so sánh các sử liệu Việt Nam và sử liệu thời Đường thời Tống (thế kỷ 8 – 13), tác giả cho rằng Đinh Bộ Lĩnh là người có tráng chí, là nhân vật đầu tiên đứng lên chống lại nhà Hậu Ngô từ năm 951 đến năm 965.

Đến năm 965, Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn tử trận, Tham tá của ông này là Ngô Xử Bình đã đem quân và xác vua về thực hiện đảo chính tại kinh đô Cổ Loa. 500 con cháu nhà Ngô rút chạy về Đỗ Động Giang của Đỗ Cảnh Thạc. Nhân cơ hội này, liên minh Đinh Bộ Lĩnh – Trần Lãm chia đôi đất nước, dần dần tiến đánh và tiêu diệt 10 sứ quân/ Thứ sử nhà Ngô, tiêu diệt Ngô Xử Bình, bắt An Vương Ngô Nhật Khánh phải đầu hàng. Nhà Ngô sụp đổ. Tác giả cho rằng “loạn sứ quân” là một cách nhìn từ phe chiến thắng.

Để chứng minh luận điểm này, ông đã liệt kê 21 lực lượng quân sự, trong đó có 11 thứ sử nhà Ngô đã bị nhà Đinh tiêu diệt và hàng phục.

Cuốn sách còn giải mã lịch sử Việt Nam thế kỷ X từ quá trình xây dựng biểu tượng của các sử gia, trong đó hai biểu tượng trung tâm là Đinh Tiên Hoàng và Dương Thái Hậu. Đinh Tiên Hoàng được xây dựng như là một biểu tượng của nền chính trị Nho giáo (thời trung đại), hay biểu tượng của hoàng đế chống giặc nội loạn, đại biểu cho sức mạnh của nhân dân.

Trong con mắt của sử gia Nho giáo, “ả họ Dương” là tấm gương tày liếp cho sự vi phạm đạo đức, là kẻ đã lấy hai chồng (lại là hai ông vua), là kẻ đã thất tiết với ông hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh, tư thông với bề tôi Lê Hoàn, là kẻ đã phản bội gia tộc họ Đinh để trao quyền cho họ khác.

Nhưng khi hệ tư tưởng thay đổi, Dương Thái hậu trở thành người phụ nữ đứng giữa lòng dân tộc, là người đã hàn gắn sự rạn nứt và tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là bậc anh hùng có công đối với cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Một một thời đại đều có hệ tư tưởng riêng, mục đích riêng, nên các biểu tượng đã được kiến tạo với nhiều phương thức, góc độ khác nhau.

Điều đó đã làm nên lịch sử nhận thức lịch sử, lịch sử tiếp nhận lịch sử. Còn chuyện đúng sai thì có lẽ là chuyện vô cùng, vì ta biết nhận thức thì có tính chủ quan, có tính thời đại, và có tính lịch sử của nó.

Tác giả viết trong lời dẫn: “Cuốn sách này vì vậy không dám mơ đến việc hoạch định một sử thực tuyệt đối nào, mà chỉ là những nét vẽ cá nhân, thể hiện quá trình khám phá tự thân của một người đọc sử đang nỗ lực thử tự kiến tạo những tri thức của riêng mình về lịch sử nước nhà.

Đó là một lịch sử hay đúng hơn là một nhận thức lịch sử được kiến tạo bởi một cá nhân, nó cố gắng trượt qua khỏi tính hữu dụng của lịch sử, để nhìn lịch sử như là một một yếu tố khả biến trong hoạt động tri nhận của mình.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...