Dạy học Lịch sử và Địa lý trong CTGDPT mới: Tăng vận dụng kiến thức vào thực tiễn

GD&TĐ - Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, dạy học tích hợp là điểm mới, đòi hỏi sự thay đổi trong tổ chức dạy học. Cụ thể, nội dung Chương trình Giáo dục phổ thông sẽ đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đặc biệt tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp trên, trong đó có môn Lịch sử và Địa lý.

GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết

Giáo viên phân môn nào sẽ dạy phân môn đó

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới, Chương trình GDPT mới xác định mục tiêu hình thành phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu là: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Chương trình cũng xác định mục tiêu hình thành, phát triển 10 năng lực, bao gồm: 3 năng lực chung và các năng lực đặc thù gắn với mỗi môn học.

Các phẩm chất chủ yếu và năng lực đặc thù (năng lực ngôn ngữ, năng lực toán học, năng lực khoa học,...) có thể được hình thành thông qua hai con đường: Thứ nhất, thông qua nội dung các bài học cụ thể. Thứ hai là thông qua phương pháp dạy học. Các năng lực chung chủ yếu được hình thành thông qua phương pháp dạy học.

Chẳng hạn đối với môn Lịch sử và Địa lý, bằng cách hướng dẫn học sinh thu thập và phân tích cứ liệu lịch sử, địa lý, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế, môn Lịch sử và Địa lý sẽ bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất tốt đẹp, các năng lực về khoa học và các năng lực chung (tự chủ và tự học; giao tiếp và hợp tác; giải quyết vấn đề và sáng tạo).

GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tích hợp cao ở cấp học dưới, phân hóa dần ở cấp học trên. Nghị quyết 88 của Quốc hội cụ thể hóa yêu cầu của Nghị quyết 29 thêm một bước: Quy định lồng ghép một số nội dung liên quan của các môn học trong chương trình hiện hành ở tiểu học và THCS thành môn học tích hợp.

Thực hiện các Nghị quyết trên, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo xây dựng 2 môn học tích hợp ở THCS là: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên. Điều này là phù hợp với quy trình nhận thức của con người và xu thế giáo dục tích hợp của các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, việc xây dựng môn học tích hợp phù hợp với đặc trưng của các ngành khoa học và thực tế của nước ta (lần đầu tiên thực hiện tích hợp ở THCS). Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới Chương trình SGK phổ thông cũng nêu rõ: Yêu cầu tích hợp một cách hợp lý.

Với thiết kế như trên, giáo viên Lịch sử sẽ dạy phân môn lịch sử và những chủ đề phù hợp với chuyên môn của mình. Tương tự giáo viên Địa lý cũng sẽ thực hiện dạy học những nội dung phù hợp với chuyên môn được đào tạo của mình. Dĩ nhiên nhà trường và tổ bộ môn sẽ tổ chức phân công một cách hợp lý và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên dạy các phân môn. 
GS Nguyễn Minh Thuyết

Căn cứ vào các yêu cầu nói trên, chương trình môn Lịch sử và Địa lý thể hiện sự tích hợp giữa hai ngành khoa học này ở mức độ phù hợp. Môn học này gồm 2 phân môn: Phân môn Lịch sử thiết kế theo mạch thời gian, phân môn Địa lý thiết kế theo mạch không gian. Hai phân môn đều được thiết kế để phối hợp với nhau, hỗ trợ và soi sáng cho nhau.

Bên cạnh đó còn có 4 chủ đề tích hợp cao, gồm: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông; Đô thị - Lịch sử và hiện tại; Văn minh Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long; Các cuộc đại phát kiến địa lý.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục địa phương rộng hơn và là nội dung độc lâp
 GS Nguyễn Minh Thuyết:  Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục địa phương rộng hơn và là nội dung độc lâp

GD địa phương có vị trí tương đương một môn học

Về việc giảng dạy Lịch sử và Địa lý địa phương, GS Nguyễn Minh Thuyết trao đổi: Việc giảng dạy những kiến thức về địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông mới khác với chương trình hiện hành.

Trong chương trình hiện hành nội dung giáo dục địa phương chủ yếu là cung cấp cho học sinh những kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa địa phương... Nội dung này được thực hiện ở một số môn học, chủ yếu là các môn xã hội, với thời lượng nhất định. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục địa phương rộng hơn và là nội dung độc lâp, có vị trí tương đương như một môn học.

Ở cấp tiểu học, những nội dung này được tích hợp với nội dung của các môn học và hoạt động giáo dục, nhất là hoạt động trải nghiệm. Từ lớp 6 đến lớp 12, nội dung giáo dục địa phương được dạy như một môn học độc lập với thời lượng 35 tiết/năm học. Tổng thời lượng là 245 tiết.

Các nội dung giáo dục này sẽ do Sở GD&ĐT tham mưu, để UBND cấp tỉnh quyết định. VD: Hà Nội có thể chọn nội dung văn hóa Tràng An; văn hóa, pháp luật về giao thông và công nghệ cao. Ở TP Hồ Chí Minh, với kế hoạch phát triển thành thành phố thông minh sẽ dạy học sinh về những kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu đối với công dân của một thành phố thông minh.

Các tỉnh Tây Nguyên, có thể dạy học sinh về văn hóa Tây Nguyên, về cây công nghiệp. Vì đây là một vùng cây công nghiệp lớn, học sinh cần được hiểu và thực hành từ khâu trồng trọt đến chế biến, kinh doanh các loại cây như: cà phê, hạt điều, cao su... để lớn lên hòa nhập vào đời sống kinh tế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Còn việc liên hệ với thực tế địa phương ở môn Lịch sử và Địa lý thì giáo viên của môn này sẽ thực hiện theo nguyên tắc học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn; giáo dục ở nhà trường phối hợp với giáo dục ở gia đình, xã hội.

"Giáo viên phải lưu ý hai điều quan trọng: Thứ nhất, tuy dạy theo phân môn nhưng giáo viên phải dạy mỗi phân môn trên nguyên tắc liên hệ chặt chẽ với phân môn khác. Thứ hai, giáo viên phải chú trọng khắc phục lối dạy lý thuyết đơn thuần. Giáo viên chú ý trang bị cho học sinh công cụ làm việc, tư duy phản biện và khả năng ứng dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế"- GS Nguyễn Minh Thuyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.