Tại đây, học sinh đã được chia sẻ nhiều thông tin bổ ích liên quan đến các kỹ năng cần thiết của một công dân số, đặc biệt là kỹ năng sử dụng mạng xã hội thông minh, văn minh, có trách nhiệm.
Buổi nói chuyện được diễn ra tại sân trường với sự tham gia của gần 1.500 học sinh |
Những thành viên của ban tổ chức tham gia buổi nói chuyện đã trò chuyện, đặt câu hỏi cho học sinh về những khái niệm như: Công dân số là gì? Giao tiếp trực tuyến là gì, nó khác gì so với giao tiếp trong cuộc sống đời thực hằng ngày? Đồng thời hướng dẫn học sinh truy cập, tìm kiếm thông tin, giao tiếp an toàn qua mạng, tuân thủ các quy tắc, quyền và trách nhiệm của công dân...
Học sinh được cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản khi tham gia mạng xã hội |
Ban tổ chức đặc biệt khuyến cáo khi giao tiếp trên mạng, học sinh cần có sự tôn trọng, đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu, thông cảm, kết nối với mọi người; không nên vội vàng like hoặc share nếu chưa xác định được thông tin đúng hay sai và trả lời được những câu hỏi như hình ảnh đó có thật không....
Nhiều học sinh của Trường THPT Nguyễn Du đã tham gia giao lưu, trả lời các câu hỏi của ban tổ chức rất nhiệt tình. Theo đó đa phần các em đều sử dụng mạng xã hội, chủ yếu dùng để liên lạc với bạn bè, thầy cô, gia đình, đọc thông tin, học nhóm.
Em Đan Thanh, lớp 12A9 chia sẻ, buổi trò chuyện giúp chúng em có thêm những thông tin hữu ích để tham gia mạng xã hội, tham gia tương tác trên thế giới mạng an toàn và biết cách ứng xử trước các thông tin. Bên cạnh đó, ở trường cũng có nhiều chuyên đề giáo dục cho chúng em để sử dụng mạng xã hội văn minh, thông minh.
Một tình huống được đưa ra tại buổi nói chuyện |
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện nay, mỗi thông tin trên mạng xã hội nhận được nhiều tương tác tích cực lẫn tiêu cực, nên việc trang bị kiến thức, kỹ năng về cách nhận biết thông tin và ứng phó với các thông tin là hết sức cần thiết.
Ở thời đại số, không thể cấm các em dùng mạng xã hội, mà chúng ta hãy đặt mình vào vị trí của các em để làm bạn, lắng nghe chia sẻ. Ở trường có xây dựng các trang mạng xã hội như của hiệu trưởng, của giáo viên, của Đoàn Thanh niên, xem đây như là một kênh tư vấn học đường cho các em, trả lời những thông tin, câu hỏi, tiếp nhận chia sẻ của các em.
Kênh tư vấn này nhận được rất nhiều lượt phản hồi từ học sinh, phụ huynh, qua đó, giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong trường cũng như góp phần giảm các nguy cơ dẫn đến bạo lực học đường.
Học sinh xung phong trả lời các câu hỏi |
"Hầu như học sinh nào cũng có smartphone, nếu không định hướng, chọn lọc, những thông tin sai lệch sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường như các em dễ bị cái xấu lôi kéo, thậm chí những xung đột trên mạng xã hội nhưng không nhận thức đúng, dẫn đến những hành xử bên ngoài xã hội sẽ rất đáng tiếc. Định hướng của chương trình mang đến ý nghĩa rất quý giá cho các em”, thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết.