Mạng ảo, nhưng tác động thật
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, đại diện ban tổ chức cho rằng, internet đang phát triển ở Việt Nam với tốc độ chóng mặt. Với dân số hơn 96 triệu người và tỉ lệ đô thị hóa là 35%, lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam năm 2018 đạt 64 triệu người dùng, chiếm 67% dân số. Chỉ xét riêng ở mạng facebook Việt Nam có khoảng 55 triệu tài khoản, chiếm 57% dân số và là một trong 10 nước có số lượng người sử dụng mạng facebook lớn nhất thế giới.
Mạng xã hội trở thành một thế giới ảo giữa thế giới thật vô cùng rộng lớn của con người. Trong đó, đáng chú ý là lượng người học đang bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội rất lớn. Bên cạnh mặt tích cực của mạng xã hội thì nhiều mặt trái khác cũng đang làm thay đổi con người chẳng hạn như tuyên truyền văn hóa đồi trụy, câu like để bán hàng, làm người nổi tiếng…
Nhiều người dùng mạng xã hội thậm chí không cần đọc, không cần hiểu mà vẫn cứ share, bình luận, like theo số đông, dần dần số đông quyết định nên chuẩn mực xã hội, đạo đức bị thay đổi trên thế giới ảo bất chấp luật An ninh mạng đã có hiệu lực… Nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra từ thế giới ảo của mạng xã hội.
PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM phát biểu tại buổi tọa đàm |
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, mạng xã hội như một công cụ chia sẻ thông tin và thông qua đó kết nối nhà trường với sinh viên. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mạng xã hội còn có những tiêu cực. Chúng ta nên sử dụng mạng xã hội như thế nào để tận dụng hết lợi ích mang lại mà hạn chế những tiêu cực? Ban tổ chức buổi tọa đàm mong muốn có những thảo luận, trao đổi về các giải pháp để hướng giới trẻ, nhất là học sinh sinh viên có những kỹ năng sử dụng mạng xã tích cực hơn.
Cần có những quy tắc cơ bản, kỹ năng khi sử dụng mạng xã hội
Tham gia tọa đàm, Thiếu tá, TS Xã hội học Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường ĐH An ninh Nhân dân đã chia sẻ 10 quy tắc cơ bản, trong đó, nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng; tế nhị tôn trọng người khác; hãy nhớ rằng những gì chia sẻ trên mạng xã hội là một sự phản ánh của con người bạn hay tính cách, lối sống của bạn;
Không nên và không cần thiết phải đăng tải hình ảnh của bản thân lên mạng xã hội; tuyệt đối không nên tham gia vào các cuộc tranh luận trên mạng; nhận diện và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải; thể hiện quan điểm, chính kiến trong việc xây dựng xã hội, đất nước; chú trọng chia sẻ những điều hay.
Ngoài ra, TS Việt Lâm cũng nêu lên một số kỹ năng về việc kiểm soát bản thân để không bị nghiện mạng xã hội. Trong đó là xác định rõ mục tiêu sử dụng mạng xã hội, tắt các chế độ báo cáo…
Sinh viên chia sẻ tại buổi tọa đàm |
TS Tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng, do việc mạng xã hội nhanh, nên đòi hỏi người sử dụng cần có những kỹ năng xử lý thông tin và đánh giá những tác động của mạng xã hội lên bản thân. Nhu cầu thể hiện bản sắc cá nhân của người trẻ rất lớn tuy nhiên khả năng của bản thân thì không đáp ứng được. Do đó, các bạn trẻ đã tìm những cách thể hiện một cách khác biệt, bị lệch lạc. Vì vậy, nên có mục đích, mục tiêu sử dụng mạng xã cho bản thân trong tương lai. Đồng thời chú ý chất lượng like hơn là số lượng like.
Tương tự, LS Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện nhiều “thẩm phán”, trước khi vụ án được đưa ra xét xử thì các “thẩm phán” này đã tuyên án.
Hiện nay luật pháp cũng đã có những quy định, chế tài xử lý những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, hành vi bịa đặt, vu khống…Người bị hại cũng có quyền khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, hiện nay chế tài pháp luật vẫn chưa theo kịp thực tiễn. Trong đó cụ thể là những mức xử phạt vẫn còn quá nhẹ so với hậu quả gây ra cho bị hại, từ đó không đủ sức răn đe.
Vì vậy, theo luật sư, để nâng cao ý thức người sử dụng mạng xã hội cần thiết phải nâng cao các chế tài xử lý thì mới đủ sức răn đe. Ngoài ra, bản thân người dùng mạng xã hội cũng ý thức, trách nhiệm hơn trong việc sử dụng, biết tự bảo vệ mình.
BS Hồ Nhật Quang- Giám đốc Công ty đào tạo huấn luyện Thân Tâm Trí chia sẻ tại buổi tọa đàm |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng - Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.HCM lưu ý giới trẻ khi sử dụng mạng xã hội trước hết phải trang bị những kỹ năng đúng đắn, văn minh. Đối với giới trẻ, nhiệm vụ chính vẫn là học tập; tự rèn luyện đạo đức, phẩm chất; xây dựng hình ảnh, nhân cách sống bao dung nhân ái; xây dựng lối sống lành mạnh, có kiến thức, sức khỏe, biết chăm lo cho xã hội; hiểu biết pháp luật. Từ đó, sẽ tạo một bức tường vững chắc ngăn chặn, đánh bật những thứ không tốt muốn len lỏi vào.
Ông cũng cho rằng, phải xem Đoàn Thanh niên là một tổ chức giáo dục lý tưởng cho học sinh, sinh viên. Mỗi đoàn viên, hội viên phải là hạt nhân trong các hoạt động phong trào. Đoàn Thanh niên cũng nên tổ chức nhiều hơn các hoạt động xã hội để mỗi đoàn viên tham gia và rèn luyện bản thân.