Thực trạng day dứt...

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dù bảo hiểm xã hội đóng vai trò rất quan trọng nhưng tình trạng rút một lần gia tăng, dẫn đến mức độ bao phủ an sinh ngày càng thu hẹp.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tại phiên thảo luận với chủ đề “Nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới” tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 diễn ra vừa qua, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là thực trạng hết sức day dứt.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2022, số người rút bảo hiểm BHXH một lần lên đến 3,5 triệu, chủ yếu thuộc các trường hợp đóng dưới 5 năm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo ông Hồi là do người lao động chưa nhận thức được hết vai trò của BHXH trong bảo đảm an sinh xã hội suốt cuộc đời.

Một nguyên nhân nữa là do người lao động có thu nhập, tích lũy thấp, khi mất việc làm nên cần có một khoản tiền để giải quyết khó khăn trước mắt. Nguyên nhân nữa là nhiều người vẫn nghĩ hệ thống bảo hiểm không quan trọng trong tương lai...

Thực tế, dù BHXH đóng vai trò rất quan trọng nhưng tình trạng rút một lần ngày càng gia tăng dẫn đến mức độ bao phủ an sinh ngày càng thu hẹp. Trong tương lai, ngân sách Nhà nước phải chi trợ cấp xã hội nhiều hơn cho người già không hưu trí. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.

Ví dụ như trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Chính phủ trình 2 phương án. Phương án 1 như luật hiện hành là cho phép rút, nhưng khi luật sửa đổi có hiệu lực sẽ không được rút. Phương án 2 là cho rút 50% số tiền người lao động đã đóng.

Bình luận về việc này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng, phương án nào cũng có ưu điểm, nhược điểm và cần đánh giá thật kỹ. Thực tế, khi tham vấn người lao động có rất nhiều ý kiến khác nhau về các phương án này.

Với tư cách là cơ quan thẩm tra, quan điểm của Ủy ban Xã hội là dù chọn phương án nào thì mục đích cũng là bảo đảm an sinh xã hội lâu dài. Ủy ban sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, nghiên cứu thấu đáo để tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho chính sách mới về rút BHXH một lần. Chính sách BHXH phải thực sự thu hút, giữ chân người lao động.

Cần nhắc lại rằng, trong báo cáo trước khi trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng đã nêu các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần.

Đó là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm. Sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng thực sự là công cụ hiệu quả hơn.

Tăng cường phát huy hiệu quả các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội… Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già.

Củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống BHXH thông qua đẩy mạnh cải cách tinh gọn bộ máy tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả trong thực thi chính sách. Sửa đổi quy định chính sách nhằm phù hợp, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động tham gia BHXH.

Như vậy có thể thấy, những giải pháp của cơ quan chức năng đều hướng đến mục tiêu là bảo đảm an sinh lâu dài cho người lao động. Vậy nhưng bên cạnh giải pháp cốt lõi là sửa Luật BHXH, cần có các giải pháp gián tiếp như có cơ chế tín dụng để người lao động dễ dàng tiếp cận trong lúc khó khăn. Có chính sách để tạo việc làm ổn định - khi đó người lao động sẽ không có lý do gì phải rút BHXH một lần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ