Nhiều tỉnh/thành đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi với tỷ lệ còn cao hơn, có thực lực như TPHCM đạt 93% bao gồm cả THPT, vùng miền núi xa xôi như Yên Bái cũng đạt 73,7%.
Bất cập lớn nhất của học 2 buổi/ngày ở cấp THCS trong thời gian qua là chương trình học và học phí. Do không thể đảm bảo tính khả thi về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, ngay từ đầu, Chương trình GDPT 2018 cấp THCS không thiết kế bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày như cấp tiểu học. Vì thế đến nay việc tổ chức nội dung dạy học ở buổi thứ 2 theo chương trình mới ở cấp học này vẫn mỗi nơi một kiểu.
Ở các trường tư, thời khóa biểu thường đan xen nhiều hoạt động trải nghiệm, thực hành, năng khiếu về thể thao, nghệ thuật… Trong khi đó ở trường công, đa số vẫn nặng về ôn luyện, củng cố kiến thức. Cách tổ chức dạy học này khiến học sinh không giảm áp lực, dư luận từng nghi ngại buổi 2 là “hợp lý hóa” dạy thêm, học thêm.
Tài chính cho buổi 2 của cấp THCS đa số do phụ huynh đóng góp, trong gói học phí (nếu là trường tư), theo mức thu do HĐND tỉnh/thành quy định (nếu là trường công), hoặc theo đơn giá của các đối tác liên kết dịch vụ. Một số trường tổ chức bán trú, còn thêm chi phí ăn trưa. Những chi phí liên quan đến dạy học buổi 2 đã và đang là gánh nặng với nhiều gia đình khó khăn. Điều này cũng cản trở không ít trường THCS có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, nhất là ở vùng sâu xa, không thể mở rộng buổi 2, do khó xã hội hóa.
Dạy buổi 2 không đơn giản là tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, mở cửa trường cho học sinh trải nghiệm, càng không phải là hoạt động dạy thêm, học thêm trá hình, mà phải có một chương trình phù hợp, đúng theo mục tiêu Chương trình GDPT 2018 là phát triển phẩm chất năng lực người học.
Liên quan đến nội dung giảng dạy, trong bối cảnh ngành Giáo dục thực hiện chương trình mới và thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT đã và đang xúc tiến xây dựng hướng dẫn dạy học buổi 2 thay văn bản cũ. Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) cho biết, định hướng buổi 2 tới đây sẽ tổ chức các hoạt động giáo dục, chủ đề học tập nhằm giúp học sinh có cơ hội tiếp cận với thực hành, trải nghiệm, gắn kiến thức môn học với thực tiễn cuộc sống.
Như vậy câu chuyện dạy học buổi 2 cấp THCS với nội dung gì, học phí ra sao trong thời gian qua, tới đây sẽ không còn nhiều trở ngại. Vấn đề quan trọng là nguồn lực đầu tư được tính toán và xúc tiến như thế nào để những trường THCS còn lại cũng phải đủ điều kiện (về cơ sở vật chất, đội ngũ) để tổ chức dạy 2 buổi/ngày.
Thực tế hiện nay còn khoảng 40% số trường THCS chưa đủ điều kiện tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Cả nước cũng mới có khoảng 20 địa phương thí điểm tổ chức dạy 5 ngày/tuần (10 buổi/tuần, nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật) ở cấp THCS.
Đi kèm với chủ trương triển khai dạy học 2 buổi/ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện, trên tinh thần kết hợp Nhà nước đầu tư là chính với khuyến khích xã hội hóa.
Tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư và Trung ương, ngành Giáo dục sớm có được những điều kiện căn bản để nhân rộng và tiến tới dạy 2 buổi/ngày bắt buộc ở cấp THCS, bảo đảm cho học sinh môi trường phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục.