Báo động tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần

GD&TĐ - Trước năm 2019, số người rút bảo hiểm bình quân một năm khoảng 500 nghìn. Đến năm 2023 con số này tăng lên thành gần 900 ngàn.

Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Tráng A Dương (đoàn tỉnh Hà Giang) nêu câu hỏi, do dịch Covid-19 lan rộng, tình trạng lao động mất việc làm và rút bảo hiểm xã hội một lần đã ảnh hưởng rất nhiều đến an sinh xã hội.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ có nên thành lập một quỹ nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống?

Trao đổi về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, diễn biến căng thẳng về việc này bắt đầu từ năm 2022. Về gợi ý thành lập quỹ hỗ trợ người lao động, theo Bộ trưởng, đây chỉ là một giải pháp.

Theo Bộ trưởng, để ngăn chặn tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, cơ bản nhất là đảm bảo công ăn việc làm, đời sống của người lao động.

Việc lập quỹ, nếu có, với quy mô tác động lớn như thế này phải nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động một cách thấu đáo.

Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Về vấn đề sửa luật Bảo hiểm xã hội và đảm bảo lương hưu cho đối tượng nữ giới, nam giới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội sẽ tiếp thu trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

Việc lấy ý kiến sửa đổi luật này cũng vừa được tiến hành, thu thập, tổng hợp được trên 380 ý kiến của các tập thể và nhiều ý kiến cá nhân. Bộ đang tích cực trong công tác tiếp thu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, về lĩnh vực này, cần đảm bảo các nguyên tắc đóng – hưởng, bình đẳng và chia sẻ; đồng thời cần có các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ nữ.

Về việc rút bảo hiểm một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước năm 2019, số rút bảo hiểm bình quân một năm khoảng 500 ngàn, đến năm 2023, con số này tăng lên thành gần 900 ngàn.

Nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần không giảm, thì có nguy cơ khó đảm bảo an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững.

Bàn về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, là do thu nhập của người lao động ở mức thấp, cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần còn quá dễ dàng, quyền lợi khi rút bảo hiểm xã hội một lần ở mức cao, công tác tuyên truyền về vấn đề này cũng chưa được thực hiện hiệu quả.

Bộ trưởng cho rằng, cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không hạn chế quyền, tăng quyền lợi cho người đóng.

Tại Kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần hiệu quả nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ