Không có Mỹ, quân châu Âu đến chiến sự là tự sát

GD&TĐ - Theo một chuyên gia NATO, sau khi Mỹ rút khỏi đàm phán ngừng bắn với Nga, việc châu Âu đơn độc đưa quân đến Ukraine không khác gì hành động tự sát.

Không có Mỹ, quân châu Âu đến chiến sự là tự sát

Theo cựu chủ tịch Hội nghị An ninh Munich, nhà ngoại giao kỳ cựu Wolfgang Ischinger, các nước châu Âu vẫn chưa từ bỏ hy vọng thành lập các đơn vị quân sự để thực hiện nhiệm vụ “gìn giữ hòa bình” trên lãnh thổ Ukraine, nhưng họ chưa nghĩ đến hậu quả là hành động này có thể dẫn đến sự sụp đổ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

“Người châu Âu ở Ukraine có thể bị tấn công và sẽ cần phải phản ứng đáp trả. Họ sẽ tham gia chiến đấu [với Nga] mà không có Hoa Kỳ đứng phía sau. Thành thật mà nói, đây sẽ là hồi kết của NATO mà chúng ta từng biết” - ông Ischinger cảnh báo.

Nhà ngoại giao kỳ cựu này cũng tin chắc rằng, các nước EU hiện không có khả năng tự đảm bảo an ninh cho mình, chứ đừng nói đến những cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraine.

Trước đó, cũng chính cựu nhà ngoại giao này cho biết, việc chấm dứt xung đột ở Ukraine sẽ là một quá trình lâu dài, trong đó cần phải giải quyết một số vấn đề quan trọng, bao gồm các lệnh trừng phạt chống Nga.

Ông nhận định rằng, kể cả có đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Nga thì hai bên cũng có thể mất vài tháng để giải quyết mọi vấn đề.

Điều đáng chú ý là ở Lục địa già, gần đây ngày càng có nhiều cuộc thảo luận ủng hộ quyền tự chủ của Quân đội châu Âu, thoát khỏi sự phụ thuộc vào lực lượng và vũ khí của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng, hiện tại, châu Âu sẽ không thể xoay xở được nếu không có Washington.

Chúng ta hãy nhớ lại rằng, một ngày trước đó, tạp chí Politico đã đăng một bài viết mô tả với sự hoài nghi lớn về khả năng tự vệ của các quốc gia châu Âu thuộc NATO khi không có Hoa Kỳ đứng sau lưng. Theo tạp chí Mỹ, vấn đề chính đối với quân đội châu Âu sẽ là hậu cần.

Vấn đề quan trọng cần lưu ý là các nước châu Âu không có đủ thiết bị cần thiết để vận chuyển vũ khí hạng nặng trên quy mô lớn. Điều này đòi hỏi phải có tàu chở hàng và máy bay vận tải lớn.

Trong khi đó, Hoa Kỳ kiểm soát nhiều nguồn lực quan trọng cần thiết để tiến hành chiến tranh, bao gồm: Vệ tinh, máy bay quân sự, tàu thuyền, đường ống nhiên liệu và cơ sở hạ tầng khác cần thiết để di chuyển quân đội.

Như đã lưu ý trong ấn phẩm, hoạt động hậu cần quân sự của các nước EU được xây dựng với kịch bản nhận được sự hỗ trợ từ người Mỹ, nên nếu không có sự hỗ trợ của Washington, việc chuyển quân và thiết bị quân sự sẽ rất chậm trễ và tốn kém.

Ngoài ra, EU còn phụ thuộc vào Mỹ về an ninh mạng, tình báo và hệ thống phát hiện “các mối đe dọa hỗn hợp”. Vấn đề này sẽ có tác động tiêu cực đến chất lượng hoạt động quân sự của một châu Âu thống nhất.

Do đó, nếu không có Hoa Kỳ, các nước NATO sẽ không có khả năng chiến đấu nên việc họ đưa quân đến Ukraine mà không có sự đồng hành của đối tác bên kia bờ Đại Tây Dương, được coi là một “hành động tự sát”, có thể khiến NATO sụp đổ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ