Trong bài viết “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, để hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc, chúng ta phải giải quyết nhiều việc, trong đó, nhiệm vụ rất trọng tâm là phải tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, pháp luật để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tận dụng mọi cơ hội phát triển.
Liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết số 66-NQ/TW về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” cũng đã đặt ra mục tiêu năm 2025 cơ bản hoàn thành tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật.
Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy Nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước. Được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội; quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả...
Những năm qua, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng được hoàn thiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, lao động, việc làm, an sinh xã hội… Cơ bản thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chủ động hội nhập quốc tế trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế việc xây dựng, thi hành pháp luật vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý, chất lượng cũng chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Vẫn còn không ít quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư.
Ngoài ra, việc phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh; thủ tục hành chính còn rườm rà. Đặc biệt, khâu tổ chức thực thi pháp luật vẫn yếu; chậm nghiên cứu, ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới, chưa tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Đây là những tồn tại, hạn chế không mới và đã tồn tại từ lâu cho nên trong bối cảnh hiện nay, khi hoàn thiện hệ thống pháp luật là yêu cầu cấp thiết, là “đột phá của đột phá”, việc khắc phục phải được thực hiện quyết liệt nhằm xây dựng chuẩn mực hành vi cho các chủ thể.
Để thực hiện được điều này, vấn đề then chốt mà Nghị quyết 66-NQ/TW đã nêu là phải đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển.
Tiếp đó, cần tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế. Đồng thời thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác xây dựng pháp luật. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, cùng cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành.
Pháp luật phải thật sự là nền tảng của phát triển, phục vụ phát triển và thúc đẩy phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể. Và để hiện thực được mục tiêu này, như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình” là cùng với việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số, công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải được đổi mới căn bản.