“Thái tử” Lee Jae-yong, người thừa kế của tập đoàn Samsung và hiện đang là Phó chủ tịch, đã chính thức bị bắt giữ vào hôm thứ 6 tuần trước. Ông bị cáo buộc các tội danh hối lộ, khai man và có liên quan đến vụ bê bối chính trị của Tổng thống đang bị luận tội Park Geun-hye.
Nếu như bị kết tội, Lee Jae-yong sẽ không phải là người đầu tiên của Samsung, cũng như các tập đoàn Chaebol Hàn Quốc, rơi vào tình cảnh này.
Trước đó, cha của ông là ông Lee Kun-hee, chủ tịch tập đoàn Samsung, cũng đã từng 2 lần đối mặt với các án phạt ngồi tù. Tuy nhiên kết quả là chưa một lần ông Lee phải trải qua quãng thời gian chịu các hình phạt này.
Không chỉ có ông Lee, mà rất nhiều những người đứng đầu các Chaebol lớn tại Hàn Quốc cũng từng phải đối mặt với án phạt tương tự. Nhưng họ luôn được giảm mức án hoặc tạm hoãn thi hành án, mà cuối cùng là nhận được sắc lệnh tha bổng từ Tổng thống Hàn Quốc.
Trên cơ sở đó, ngay cả khi Lee Jae-yong bị kết án, khả năng ông phải ngồi tù là rất thấp và thậm chí là có thể được tha bổng. Tuy nhiên tình cảnh hiện tại cũng đã có nhiều thay đổi, so với thời kỳ hùng mạnh của các Chaebol trước đây.
Mô hình kinh doanh gia đình trị của các Chaebol tại Hàn Quốc đang ngày càng bị phản đối. Nguyên nhân là do mô hình kinh doanh này đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế Hàn Quốc, hạn chế các nguồn đầu tư nước ngoài và thường xuyên có các hoạt động mờ ám bên trong.
Ông Park Ju-gun, chủ tịch cơ quan giám sát kinh doanh CEOScore, cho biết: “Xét trên sự phản đối của rất nhiều người dân, khả năng ân xá cho Lee Jae-yong là rất thấp. Nếu chính quyền tiếp theo của Hàn Quốc ban lệnh ân xá, nó sẽ càng khiến người dân phản đối. Điều đó không khả thi”.
Trước ông Lee Jae-yong, cũng đã từng có những vụ bê bối lớn hơn liên quan tới các Chaebol Hàn Quốc:
- Ông Lee Kun-hee, chủ tịch tập đoàn Samsung và là cha của Lee Jae-yong, đã từng bị kết án vì tội trốn thuế vào năm 2008 và tội hối lộ năm 1996.
Ông đã từng bị kết án tù 3 năm vì tội trốn thuế và 2 năm vì tội hối lộ, tuy nhiên cả 2 bản án này đều bị hoãn và sau này được ân xá bởi Tổng thống Lee Myung-bak.
- Ông Chung Mong-koo, chủ tịch Hyundai Motor Group, đã từng bị kết tội tham ô và vi phạm nghĩa vụ năm 2007. Ông đã bị kết án tù 3 năm, tuy nhiên chỉ sau 2 tháng bắt giam để điều tra ông đã được tại ngoại. Bản án của ông Chung Mong-koo sau đó cũng được ân xá bởi Tổng thống Hàn Quốc.
- Các ông Chey Tae-won (chủ tịch SK Group), ông Lee Jay-hyun (chủ tịch CJ Group), ông Kim Seung-youn (chủ tịch Hanwha Group) cũng đều bị kết án tù. Tuy nhiên sau đó các bản án này cũng bị tạm hoãn và được ân xá bởi Tổng thống.
Nguyên nhân có thể là do các tập đoàn Chaebol này có ảnh hưởng quá lớn tới nền kinh tế Hàn Quốc. Việc giam giữ những người đứng đầu của các tập đoàn này có thể gây ra một cơn khủng hoảng kinh tế lớn và đó là điều mà Tổng thống Hàn Quốc không mong muốn.
Thái tử Lee Jae-yong mặc dù chỉ là Phó chủ tịch tập đoàn Samsung, nhưng trên thực tế ông là người điều hành toàn bộ hoạt động, sau khi Chủ tịch Lee Kun-hee ngã bệnh vào năm 2014.
Dưới quyền của Lee Jae-yong hiện vẫn có 3 đồng giám đốc điều hành, quản lý từng mảng kinh doanh khác nhau của tập đoàn Samsung. Tuy nhiên nếu như người thừa kế của tập đoàn Samsung phải ngồi tù, đó vẫn sẽ là điều vô cùng khó khăn.