Cuộc mật nghị của 133 vị hồng y giáo chủ để bầu giáo hoàng mới bắt đầu từ ngày 7/5 và kết thúc khi khói trắng bay lên trên nóc Tòa thánh Vatican. Khói trắng báo hiệu đã có người được bầu làm giáo hoàng mới. Khói đen có nghĩa là cuộc mật nghị vẫn tiếp tục. Cũng từ đấy mà câu hỏi “Khói trắng hay khói đen?” về sau được sử dụng ẩn dụ về vụ việc nào đấy đã đi tới kết cục hay chưa.
Theo quy định của Tòa thánh Vatican, chỉ những vị hồng y vào ngày bầu giáo hoàng chưa qua 80 tuổi được tham gia mật nghị. Hiện tại có 135 vị trong diện ấy. Do hai vị vì lý do sức khỏe không tham dự được nên chỉ 133 hồng y tham dự bầu người kế nhiệm Giáo hoàng Francis.
Người đắc cử (không nhất thiết nhưng thường là một trong số 133 vị này), phải giành được hai phần ba phiếu bầu, tức là ít nhất phiếu bầu của 89 hồng y. Cơ cấu thành viên mật nghị bầu giáo hoàng năm nay bao gồm: 51 vị đến từ châu Âu (trong đó có 16 người Italy), 23 vị đến từ châu Á, 21 vị đến từ Mỹ Latinh, 18 vị đến từ châu Phi, 16 vị đến từ Bắc Mỹ và 4 vị đến từ Australia và châu Đại Dương.
Đa số hồng y giáo chủ tham dự cuộc mật nghị bầu giáo hoàng do Giáo hoàng Francis bổ nhiệm nên thiên hạ nghiêng về dự đoán rằng giáo hoàng mới sẽ đến từ diện hồng y giáo chủ ấy.
Thời xa xưa có những lần cuộc bầu giáo hoàng kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng và cả nhiều năm, nhưng trong thế kỷ 20 và 21 đến nay lại ngắn. Ba lần bầu giáo hoàng gần đây nhất kéo dài chỉ có 2 ngày, qua từ 4 đến 8 vòng bầu. Nhiều khả năng cuộc bầu giáo hoàng hiện tại cũng vậy.
Cuộc bầu giáo hoàng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tương lai của Nhà thờ Cơ đốc giáo vì giáo hoàng được bầu sẽ tại vị cho tới khi lìa trần hoặc thoái vị. Quan điểm chính sách và cách thức cai quản Tòa thánh Vatican sẽ dẫn dắt và chế ngự hoàn toàn cả hiện tại lẫn tương lai của Nhà thờ Cơ đốc giáo.
Những vấn đề lớn, cấp thiết đang đặt ra cho Nhà thờ Cơ đốc giáo như cải tổ tiếp hay không, cải tổ đến đâu nữa, mở cửa như thế nào, biến động nhân sự ra sao, xử lý những cuộc khủng hoảng và bê bối nội bộ... đều phụ thuộc vào giáo chủ mới.
Cả trong thế giới hiện đại ngày nay, cuộc ganh đua ảnh hưởng giữa các tôn giáo vẫn rất sôi động và quyết liệt. Nhà thờ Cơ đốc giáo rồi đây thành bại nhiều ít như thế nào phụ thuộc vào quyết định vị giáo chủ mới. Cho nên, từ danh tính của vị giáo chủ mới sẽ có thể nhận diện được cơ bản triển vọng tương lai của Nhà thờ Cơ đốc giáo.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italy Giorgina Meloni hay ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đều có những động thái ngoại giao và truyền thông vận động cho “ứng viên giáo hoàng” của họ được đăng quang chính thức. Người Mỹ chưa từng làm giáo hoàng. Người Pháp từ 647 năm nay chưa từng làm giáo hoàng. Người Italy từ năm 1978 đến nay - qua ba đời giáo hoàng liên tiếp - không đảm trách cương vị này.
Tòa thánh Vatican dẫu thăng trầm uy danh đến mấy vẫn có ảnh hưởng rất sâu rộng trong thế giới hiện đại nên nếu biết cách tranh thủ và tận dụng ảnh hưởng thông qua giáo hoàng thì sẽ lợi đơn ích kép cho họ. Cho nên khi khói trắng bốc lên thì sẽ có người vui, kẻ buồn.