Theo Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, kế hoạch của EC nhằm loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu nhiên liệu từ Nga vi phạm chủ quyền của các quốc gia thành viên EU khi tước đi quyền lựa chọn nguồn năng lượng của họ.
Brussels đã vạch ra kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng của khối vào Moscow bằng cách loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu dầu, khí đốt và nhiên liệu hạt nhân trong những năm tới.
Hungary lấy hơn 80% lượng khí đốt từ Nga qua đường ống, với khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đóng vai trò bổ sung. Budapest tiếp tục củng cố mối quan hệ năng lượng với Moscow bất chấp lệnh trừng phạt do EU đưa ra sau cuộc xung đột ở Ukraine.
"Việc loại trừ bắt buộc, dựa trên lý tưởng nhân tạo đối với khí đốt tự nhiên, dầu thô và nhiên liệu hạt nhân có nguồn gốc từ Nga sẽ dẫn đến tình trạng giá cả tăng mạnh ở châu Âu, gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền của các nước châu Âu, và gây ra những khó khăn lớn cho các công ty châu Âu", Ngoại trưởng Szijjarto nói, ông cũng cho biết thêm rằng, "những gì được công bố là hoàn toàn điên rồ".
“Mọi người ở Brussels đã mất đi lý trí”, nhà ngoại giao hàng đầu của Hungary thốt lên, nhấn mạnh rằng, Budapest sẽ không cho phép EC vi phạm chủ quyền của Hungary, và sẽ “duy trì quyền lấy năng lượng từ nơi đáng tin cậy và có chi phí thấp”.
Trước đó trong ngày, EC đã công bố "lộ trình" phác thảo chiến lược đầy tham vọng của mình nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga vào cuối năm 2027.
Nhánh hành pháp của khối này cho biết, họ sẽ đề xuất luật vào tháng 6 yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên soạn thảo "kế hoạch quốc gia" để chấm dứt việc nhập khẩu khí đốt, nhiên liệu hạt nhân và dầu của Nga.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng chỉ trích kế hoạch này, gọi đề xuất này là “tự sát về kinh tế”.
Ông Fico nói thêm rằng, Slovakia sẽ thúc đẩy những thay đổi trong quá trình lập pháp.
Brussels tuyên bố ý định cắt giảm nguồn năng lượng của các thành viên EU khỏi Nga ngay sau khi xung đột Ukraine leo thang vào tháng 2/2022.
Nguồn cung cấp LNG của Mỹ kể từ đó đã thay thế phần lớn nguồn khí đốt đường ống rẻ hơn mà Nga cung cấp trước đây.
Mặc dù nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga cho EU đã giảm mạnh, khối này vẫn tăng nhập khẩu LNG từ quốc gia bị trừng phạt này.
Năm ngoái, Nga vẫn chiếm khoảng 19% tổng nguồn cung cấp khí đốt và LNG của EU, theo EC.