Tham gia các kỳ thi riêng xét tuyển đại học 2025: Tiếp tục hay dừng lại?

GD&TĐ - Kết quả các kỳ thi riêng đợt 1 không như mong đợi khiến nhiều thí sinh đứng trước lựa chọn khó khăn: Tham gia các đợt thi tiếp theo để cải thiện điểm số, hay chấp nhận thực tế và tìm hướng đi khác?

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, tháng 3/2025. Ảnh: V.Vũ
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức, tháng 3/2025. Ảnh: V.Vũ

Thí sinh “bất an” với kết quả thi

Sáng 16/4, Đại học Quốc gia TPHCM công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1. Với số điểm 757/1.200, Nguyễn Ngọc Anh - học sinh một trường THPT tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) không giấu được sự thất vọng.

“Em dự định đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành Luật của Đại học Kinh tế TPHCM. Nhưng với mức điểm này, em e sẽ không trúng tuyển, vì năm ngoái nhóm ngành này lấy điểm chuẩn đến 905 theo phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM”, Ngọc Anh chia sẻ.

Theo nữ sinh, với mức điểm hiện tại, em có thể đủ điều kiện vào ngành Luật hoặc Luật Kinh tế của một số trường đại học công lập tầm trung hoặc các trường tư thục. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế gia đình không cho phép em theo học tại trường ngoài công lập. “Em vẫn mong muốn được học tại Đại học Kinh tế TPHCM vì đây là một trong những trường đại học hàng đầu tại thành phố”, Ngọc Anh nói và cho biết tiếp tục dự thi đợt 2 để cải thiện điểm số.

Tương tự, Nguyễn Đức Bảo - học sinh một trường THPT tại quận Bình Tân, TPHCM bày tỏ lo lắng sau khi nhận kết quả 803 điểm. Bảo đặt nguyện vọng xét tuyển vào ngành Khoa học máy tính của Trường Đại học Bách khoa hoặc Trường Đại học Công nghệ Thông tin (cùng thuộc Đại học Quốc gia TPHCM). “Năm ngoái, Trường Đại học Công nghệ Thông tin lấy điểm chuẩn theo phương thức đánh giá năng lực là 925. Vì vậy, với mức điểm hiện tại, em gần như không có cơ hội”, Đức Bảo chia sẻ.

Về Trường Đại học Bách khoa, năm 2024, trường áp dụng phương thức xét tuyển tổng hợp, trong đó điểm thi đánh giá năng lực chiếm 70% tổng điểm xét tuyển. Đức Bảo cho biết, theo công bố của nhà trường, có gần 29% thí sinh đạt trên 900 điểm trong kỳ thi đánh giá năng lực và gần 10% thí sinh vừa có điểm thi tốt nghiệp THPT trên 27 điểm, vừa có điểm đánh giá năng lực trên 900.

“Khoa học máy tính là một trong những ngành có mức cạnh tranh cao nhất của trường. Do đó, cơ hội của em khá mong manh”, Bảo phân tích. Cũng như Ngọc Anh, nam sinh này dự kiến tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 để nâng cao cơ hội trúng tuyển.

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức ghi nhận sự tham gia của khoảng 126.000 thí sinh trên cả nước - con số cao nhất trong 8 năm qua. TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, trong số hơn 126.000 bài thi được chấm, điểm trung bình của thí sinh là 618,4 điểm (thang điểm 1.200); 142 thí sinh đạt trên 1.000 điểm. Thí sinh có điểm thi cao nhất đợt 1 là 1.060 điểm và thí sinh có điểm thi thấp nhất là 40 điểm.

Đánh giá về kết quả điểm thi của đợt thi này, ông Chính nhận định: “Phân bố điểm thi đợt 1 năm 2025 có dạng gần với phân bố chuẩn; dải điểm trải rộng thể hiện khả năng phân loại thí sinh cao, thuận lợi cho công tác xét tuyển”. Kết quả phân tích cho thấy độ khó của các câu hỏi trong đề thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2025 tương đồng với thiết kế. Đồng thời, đa số câu hỏi của đề thi có độ phân biệt tốt và rất tốt, điều này giúp phân loại tốt thí sinh, phù hợp cho mục đích tuyển sinh.

Vừa qua, một số cơ sở giáo dục đại học đồng loạt tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học. Đầu tháng 4/2025, đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2025 do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức thu hút hơn 10.000 thí sinh đăng ký dự thi. Cuối tháng 3, hàng loạt trường đại học cũng tổ chức kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT)… Các kỳ thi riêng này có nhiều đợt thi trong năm, kéo dài đến hết tháng 7/2025.

tiep-tuc-hay-dung-lai-2.jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, tháng 3/2025. Ảnh: N. Xuân

Dừng lại hay thi tiếp?

Dù đã hoàn thành các kỳ thi riêng đợt đầu, không ít thí sinh vẫn băn khoăn trước câu hỏi: “Có nên đăng ký dự thi các đợt tiếp theo để cải thiện điểm số?”. Phân vân ấy dễ hiểu, nhất là khi điểm thi không như kỳ vọng, trong khi ngưỡng điểm chuẩn vào các ngành “hot” ngày càng có xu hướng tăng cao.

PGS.TS Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, quy chế tuyển sinh năm 2025 có nhiều điểm mới, đặc biệt việc bỏ quy định xét tuyển sớm. Đây là thay đổi lớn, đòi hỏi thí sinh phải chủ động hơn trong việc xây dựng chiến lược tìm hiểu thông tin tuyển sinh từ các trường đại học, cao đẳng.

Theo ông Thụy, tham gia các kỳ thi riêng như V-SAT, kỳ thi đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia hay các kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt… tùy thuộc vào đặc điểm và phương thức tuyển sinh của từng trường. Những kỳ thi này mở ra cơ hội cho thí sinh bên cạnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hầu hết kỳ thi riêng đợt 1 công bố kết quả.

Nhiều thí sinh đạt kết quả khả quan, phần nào yên tâm khi đối chiếu với mức điểm xét tuyển các năm trước. Tuy nhiên, đối với thí sinh chưa đạt kết quả như mong đợi, PGS.TS Thụy khuyên các em nên tập trung ôn tập kỹ lưỡng để chuẩn bị cho các đợt thi tiếp theo. Đây là lựa chọn tốt, tạo thêm cơ hội trước khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đồng quan điểm, ThS Phạm Thái Sơn - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông (Trường Đại học Công Thương TPHCM), việc thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực các đợt tiếp theo là hoàn toàn chính đáng nếu mục tiêu là cải thiện điểm số để tăng cơ hội trúng tuyển.

Chẳng hạn, với kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, nhiều thí sinh sau đợt 1 đạt mức điểm trung bình khá, khoảng từ 500 - 700/1.200 điểm, nhưng vẫn mong muốn nâng lên 750, 800, thậm chí 900 điểm để có thể đủ điều kiện đăng ký vào các ngành học có mức cạnh tranh cao như Kinh doanh quốc tế, Công nghệ thông tin hay Y khoa.

Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò lớn trong quyết định này. Nhiều em chưa hài lòng với kết quả thi đợt đầu hoặc cảm thấy tiếc nuối, nên quyết định thi lại để cải thiện kết quả. “Với thí sinh có mức điểm đợt 1 thấp hơn ngưỡng điểm chuẩn các năm trước khoảng 50 - 100 điểm, ví dụ như đạt 750 điểm trong khi ngành có mục tiêu yêu cầu khoảng 800 điểm, thì việc dự thi tiếp là hoàn toàn hợp lý”, ThS Sơn phân tích.

tiep-tuc-hay-dung-lai-3.jpg
Ảnh: N. Xuân

Vững tâm lý và chiến lược rõ ràng

Theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2025, trường đại học phải quy đổi điểm các phương thức tuyển sinh về cùng một thang điểm. Quy định này nhằm đảm bảo công bằng trong tuyển sinh và không tác động nhiều đến điểm chuẩn các phương thức xét tuyển.

“Khả năng điểm chuẩn của kỳ thi đánh giá năng lực năm nay sẽ không cao hơn nhiều so với năm trước, chủ yếu giữ ở mức tương đương. Chỉ có một số ngành, trường thuộc nhóm tốp trên như Công nghệ thông tin, nhóm ngành Y Dược, điểm chuẩn ở phương thức xét tuyển các kỳ thi riêng có thể tăng nhẹ. Còn lại, mặt bằng chung sẽ tương tự năm 2024”, ThS Phạm Thái Sơn nhận định.

Cũng theo ông Sơn, điều quan trọng là thí sinh cần có kế hoạch ôn luyện rõ ràng và hiệu quả. Vì các bài thi đánh giá năng lực thường chú trọng vào tư duy logic và khả năng suy luận khoa học. Học sinh nên tập trung cải thiện kỹ năng đọc hiểu, phân tích dữ liệu và quản lý thời gian làm bài. Việc luyện tập với đề mẫu hoặc đề thi thử các năm trước sẽ giúp các em làm quen với cấu trúc đề và nâng cao tốc độ làm bài.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông (Trường Đại học Ngân hàng TPHCM), đối với thí sinh chưa đạt kết quả như kỳ vọng trong các đợt thi trước, việc thi tiếp ở các đợt sau có thể là cơ hội để cải thiện. “Tuy nhiên, điều quan trọng các em cần giữ vững tâm lý và có chiến lược rõ ràng”, ông Thụy nói và đưa ra 3 điểm mấu chốt mà thí sinh nên cân nhắc.

Thứ nhất, thí sinh đừng quá thất vọng. “Việc không đạt kết quả như mong muốn là điều không ai mong đợi, nhưng đó không phải dấu chấm hết. Hãy xem đây như cơ hội để nhìn lại, điều chỉnh và có lựa chọn phù hợp hơn với năng lực và điều kiện của bản thân”, ông nhấn mạnh. Thứ hai, thí sinh nên chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ. Các em nên chia sẻ những băn khoăn với gia đình, thầy cô và bạn bè để có thêm góc nhìn, động lực và lời khuyên đúng đắn.

“Cuối cùng, tập trung vào những gì có thể kiểm soát. Thay vì nuối tiếc những gì đã qua, thí sinh nên dồn sức vào việc chuẩn bị cho chặng đường phía trước, cụ thể là các đợt thi tiếp theo”, ông Thụy lưu ý.

ThS Phạm Thái Sơn cho rằng, thí sinh hoàn toàn có thể tham khảo điểm chuẩn phương thức xét điểm các kỳ thi riêng những năm trước như nguồn dữ liệu tham chiếu.

“Tuy nhiên, đó không nên là căn cứ duy nhất để đưa ra lựa chọn ngành, trường. Các em cần xem xét nhiều yếu tố khác như điểm số của đợt thi thứ 2, phổ điểm chung toàn kỳ thi, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển bằng các kỳ thi đánh giá năng lực… để có quyết định phù hợp, tránh đánh giá chủ quan hoặc quá kỳ vọng vào những mốc điểm chuẩn cũ”, ông Sơn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phiêu lưu quân sự ở Kursk: Biết sai thì đã muộn

Chỉ huy Ukraine đòi rút quân khỏi Kursk

GD&TĐ - Các chỉ huy Ukraine ở vùng Kursk đang yêu cầu Đại tướng Oleksandr Syrsky dừng hoạt động tái tấn công quận Glushkovo, cũng thuộc vùng Kursk của Nga.