Tổ chức tuyển chọn một cách linh hoạt
Thay vì bám sát đáp án một cách cứng nhắc, máy móc, khi tuyển chọn, thầy cô cần phải có sự linh hoạt để chủ động phát hiện những học sinh có tiềm năng, có khả năng tự duy độc lập, có cách viết độc đáo, sáng tạo.
Theo thạc sĩ Hồ Tấn Nguyên Minh – giáo viên hiện đang nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Tuy Hòa (Phú Yên) chia sẻ, một học sinh giỏi văn không phải là những em học thuộc lòng kiến thức từ sách vở hoặc bài giảng của thầy cô rồi trình bày lại trong bài làm một cách cẩn thận, đúng ý mà phải là những em thực sự có niềm đam mê và sự sáng tạo trong cách viết.
Do đó khi chấm bài chọn học sinh giỏi, với những bài tuy so với đáp án chưa thực sự chỉn chu, chưa đảm bảo hết ý nhưng lại có sự sáng tạo, đột phá trong cách viết thì chúng ta cứ mạnh dạn chọn lựa.
Những em này, với niềm đam mê và sức sáng tạo sẵn có, khi được rèn luyện thêm qua quá trình bồi dưỡng thì tin tưởng sẽ có sức bật rất tốt.
Theo thầy Minh, để có thể thực hiện tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, mỗi thầy cô giáo phải có ý thức đầu tư một cách nghiêm túc và say mê, sự đầu tư này thể hiện trên hai phương diện.
Thứ nhất là đầu tư về kiến thức, người thầy phải đọc nhiều, nghiên cứu nhiều để nâng cao trình độ, mở rộng hiểu biết nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc dạy học.
Thứ hai là phải trăn trở, suy tư để tìm ra những phương pháp để truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả nhất mà không tạo cho học sinh cảm giác nặng nề, nhàm chán.
Bên cạnh đó, người thầy giỏi còn phải là người truyền cảm hứng, khơi dậy tình yêu văn học, là người giữ lửa và truyền lửa cho học sinh.
Cần thấy rằng một người thầy dù giỏi đến đâu cũng không thể nào truyền đạt cho học sinh được tất cả mọi kiến thức, cũng không thể “cầm tay chỉ việc” cho các em trong tất cả mọi vấn đề.
Cho nên người thầy giỏi không phải là người thầy nhồi nhét cho học sinh được nhiều kiến thức mà phải là người thầy có khả năng truyền cảm hứng, khơi dậy niềm đam mê để các em say sưa nghiên cứu, tìm tòi.
Trang bị kiến thức, rèn luyện kĩ năng làm bài cho học sinh
Thầy Minh cho rằng, việc trang bị kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài cho học sinh là điều tất yếu phải thực hiện tốt nếu muốn đội tuyển HSG có chất lượng. Tuy nhiên, theo thầy, nếu không có phương pháp khoa học và hợp lí sẽ không có hiệu quả.
Với câu hỏi nghị luận văn học, kiến thức đòi hỏi phải mang tính hệ thống, thể hiện thành năng lực khái quát, tổng hợp chứ không phải là kiến thức rời rạc ở từng mảng theo kiểu học thuộc.
Với câu hỏi nghị luận xã hội để có thể giải quyết tốt, học sinh cần thiết phải có hiểu biết xã hội sâu rộng đồng thời phải có khả năng liên hệ với các vấn đề xã hội đương đại. Từ đó, các em có những kiến giải sâu sắc, phù hợp từ góc nhìn của mình, từ đó bài viết mới trở nên phong phú, sâu sắc.
Bên cạnh kiến thức, việc rèn luyện kĩ năng cũng quan trọng không kém. Theo thầy Minh, thầy cô giáo cần chú trọng rèn luyện kĩ năng cho học sinh ngay trong từng khâu nhỏ nhất như: kĩ năng phân tích đề, kĩ năng tổ chức bài văn, kĩ năng viết…
Nuôi dưỡng thói quen đọc sách và trải nghiệm
Thầy Minh cho rằng một trong những điểm yếu hiện nay của nhiều học sinh giỏi Văn là lười đọc, ngại trải nghiệm dẫn đến tri thức và vốn sống nghèo nàn, đơn điệu khiến bài viết thiếu chiều sâu và cảm xúc.
Để khắc phục, theo thầy, cần thiết phải có những hình thức nhất định nào đó để khuyến khích, kích thích từ đó dần dần hình thành niềm đam mê đọc sách cho các em.
“Chúng ta có thể sử dụng một số hình thức như Tổ chức cho học sinh làm sổ tay văn học, yêu cầu các em ghi chép những kiến thức hay, cần thiết để dùng cho việc học; chỉ định sách yêu cầu học sinh đọc và viết cảm nhận hoặc hướng dẫn học sinh tự học, tự đọc qua những blog/facebook học văn…”, thầy Minh nói.
Song song với những hoạt động khuyến đọc, thầy Minh cũng khuyến khích các thầy cô giáo nên chủ động tổ chức cho học sinh tham quan, giao lưu, gặp gỡ, tham dự trại sáng tác… từ đó mở rộng tầm nhìn, trải nghiệm, làm giàu thêm vốn sống cho học sinh.
Chấm và sửa bài
Không có con đường nào giúp học sinh giỏi Văn tiến bộ nhanh bằng việc thường xuyên luyện viết cho các em. Viết để luyện tư duy, viết để rèn năng lực biểu đạt, viết để tự khám phá chính mình.
Vì vậy, theo thầy Minh, để nâng cao năng lực cho học sinh, các thầy cô giáo cần yêu cầu học sinh viết theo những yêu cầu và những dạng thức khác nhau: viết đoạn tại lớp, viết bài ở nhà,…
Từ bài viết cụ thể của học sinh chúng ta nhận xét, góp ý từ đó dần dần nâng cao năng lực viết cho các em.
Hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn không chỉ là công việc chuyên môn mà còn là hành trình lan tỏa tình yêu văn học, nuôi dưỡng tâm hồn cho học sinh.
Người thầy nếu không có đam mê thì khó thể truyền được cảm hứng. Học sinh nếu không có tình yêu đối với văn học, với chữ nghĩa thì cũng khó lòng theo đuổi con đường này được.
Thầy Minh nhấn: “Điều quan trọng nhất để việc bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn đạt hiệu quả là sự đồng hành bền bỉ của thầy và trò bằng đam mê, bằng trách nhiệm, và bằng cả sự đồng cảm thật sự trước cái đẹp của văn chương”.