Phát huy tiềm năng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc lựa chọn ngành nghề, học sinh, sinh viên vẫn chịu tác động nặng nề của định kiến giới...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Tăng cường hoạt động bình đẳng giới vì sự tiến bộ phụ nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát huy tiềm năng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Luật Bình đẳng giới năm 2016 đưa ra ba nguyên tắc cụ thể áp dụng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đó là nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học; lựa chọn ngành, nghề và tiếp cận, hưởng thụ các chính sách giáo dục.

Thời gian qua, ngành Giáo dục có nhiều nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới, thế nhưng với việc lựa chọn ngành nghề, học sinh, sinh viên vẫn chịu tác động nặng nề của định kiến giới. Trong đó biểu hiện rõ nhất là tỷ lệ nữ chọn khối ngành STEM không cao, thậm chí thấp hơn nhiều so với nam giới.

Theo công bố của UNESCO (2018), chỉ có khoảng 29% nữ giới học tập và làm việc trong các nhóm ngành STEM. Tại Việt Nam, theo báo cáo của ILO (ASEAN trong quá trình chuyển đổi), chưa đến 10% nữ giới được khảo sát theo đuổi 2 ngành kỹ sư thông tin, truyền thông và công nghệ. Báo cáo “Thị trường nhân lực ngành Công nghệ Thông tin 2020” của VietnamWorks InTECH cũng cho thấy nữ giới chỉ chiếm 11% trong tổng số người theo học nhóm ngành này.

Các trường đại học, cao đẳng hiện có thưa thớt nữ sinh theo học lĩnh vực kỹ thuật. Trường ĐH Công nghiệp TPHCM luôn ưu tiên cho nữ sinh trong việc trao học bổng, trao đổi sinh viên quốc tế, nhưng số lượng sinh viên nữ của khối ngành kỹ thuật, công nghệ vẫn khiêm tốn, có ngành chỉ chiếm 1 - 2%.

Tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, các ngành như công nghệ cơ khí, kỹ thuật ô tô, kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật nhiệt thường chỉ có 1 - 2 sinh viên nữ/lớp, thậm chí có năm không nữ sinh nào theo học.

Nữ giới ít chọn ngành STEM không phải do khả năng học các môn khoa học tự nhiên có sự khác biệt lớn với nam giới. Nghiên cứu về năng lực giữa nam giới và nữ giới theo đuổi STEM được đăng trên Tạp chí Psychological Science (Mỹ) cho thấy, 49% học sinh nữ được đánh giá hoàn toàn có năng lực theo đuổi ngành học thuộc STEM.

Rào cản có ảnh hưởng nhất định tới việc sinh viên nữ tiếp cận và gắn bó với nhóm ngành này chủ yếu đến từ xã hội và gia đình. Định kiến giới “con trai làm việc nặng, con gái làm việc nhẹ” tác động không nhỏ đến quyết định lựa chọn ngành nghề kỹ thuật của nữ sinh.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh, học sinh vẫn hình dung ngành kỹ thuật làm công việc nặng nhọc, máy móc, dầu nhớt, cơ khí, hệ thống phức tạp, trong khi hiện nay nhóm ngành này được hỗ trợ bằng các thiết bị điều khiển tự động, thay thế bằng robot, băng chuyền, hệ thống sản xuất khép kín.

Thời gian qua, để thu hút sinh viên nữ chọn ngành STEM, nhiều trường ĐH, CĐ có nhiều chương trình truyền cảm hứng và chính sách thiết thực. Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Cần Thơ... giảm học phí từ 25% - 70% cho nữ sinh kỹ thuật.

Nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội ưu tiên học bổng cho nữ sinh xuất sắc như học bổng STEM, Nữ sinh với công nghệ… Tuy vậy, hiệu quả giảm khoảng cách bất bình đẳng giới trong học ngành STEM vẫn chưa rõ rệt. Theo các chuyên gia, nhà giáo dục, nguyên nhân quan trọng vẫn là tác động truyền thông về STEM chưa tới và thấm đối với người học và xã hội.

STEM đóng vai trò thiết yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành học lĩnh vực này có nhu cầu lớn về lao động, thu nhập tốt hơn. Nếu không có biện pháp thúc đẩy, khuyến khích sinh viên nữ trong việc tiếp cận và theo đuổi thì khoảng cách về giới càng thể hiện rõ và ảnh hưởng lớn tới sự mất cân bằng trong lực lượng lao động sản xuất về sau.

Vì thế, song song với việc các trường ĐH, CĐ nỗ lực đẩy mạnh hoạt động truyền thông, thực hiện chính sách thu hút tuyển sinh, cần thiết thúc đẩy việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giới, khuyến khích nghiên cứu về bất bình đẳng giới trong khối ngành STEM ở các cấp giáo dục, có chế độ ưu tiên trong tuyển dụng, góp phần tăng tỷ lệ nữ chọn ngành STEM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ