Bình đẳng giới trong giáo dục: Vượt qua rào cản

GD&TĐ - Với nhiều nỗ lực từ việc xóa bỏ bất bình đẳng giáo dục, không ít giáo viên (GV) và học sinh (HS) nữ đã vượt lên mọi rào cản và khẳng định được mình trong công việc, cuộc sống.

Cô trò Trường MN Y Tý huyện Bát Xát, Lào Cai.	Ảnh: Đức Trí
Cô trò Trường MN Y Tý huyện Bát Xát, Lào Cai. Ảnh: Đức Trí

Đối diện thử thách

Cô Nguyễn Lệ Thủy – Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ - Hà Giang) chia sẻ: Những năm trước, việc huy động trẻ em dân tộc tới lớp không dễ dàng. Người Mông quan niệm trẻ em gái là “con người ta”, nuôi lớn cũng đi lấy chồng, làm nương rẫy không cần học lên cao. Mặt khác, nam giới cũng không học nhiều thì nữ giới càng không cần học hơn. Tình trạng mù chữ, bỏ học giữa chừng, tái mù đối với HS nữ người dân tộc diễn ra nhiều nơi.

Thậm chí, trong gia đình người Cơ Tu, nam và nữ đều đi học như nhau, nhưng nếu gia đình thiếu lao động, trẻ em gái sẽ đảm nhận việc nhà. Trong một số trường hợp, trẻ em gái phải chọn giải pháp nghỉ học. Bên cạnh đó, phong tục tảo hôn ở dân tộc Mông, Dao, Ra Glai… cũng trở thành rào cản trong việc tiếp cận giáo dục của trẻ em gái.

Dù chịu thiệt thòi song nhiều HS nữ người dân tộc đã vượt lên và khẳng định mình. Vàng Thị Chử - dân tộc Mông, cựu HS Trường THPT chuyên Lào Cai - sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo thôn Hồng Ngài, xã Y Tý, huyện Bát Xát. Được tới trường học tập với Vàng Thị Chử là điều may mắn bởi gia đình em thuộc hộ nghèo, đông con và đều trong độ tuổi đi học. Vàng Thị Chử đã bén duyên với môn Sử từ khi học tại Trường THCS – THPT Dân tộc Nội trú huyện Bát Xát. Em tích cực tham gia cuộc thi HS giỏi môn Sử, từ đó thầy cô đã định hướng cho Chử gắn bó với môn Sử khi lên THPT.

Tốt nghiệp THCS, Vàng Thị Chử thi đỗ lớp chuyên Sử - Địa Trường THPT chuyên Lào Cai và được vào đội tuyển HS giỏi của trường. Để có thành tích tốt, Vàng Thị Chử không chỉ chăm chú học tập trên lớp còn dành nhiều thời gian tìm tài liệu trên mạng, tự học và nghiên cứu sâu kiến thức theo vấn đề…

Được thầy cô động viên về tinh thần, hỗ trợ  kiến thức, cộng với nỗ lực bản thân, Chử đạt được một số thành tích ấn tượng với môn Sử như: 2 lần đoạt Huy chương Bạc kỳ thi HS giỏi Duyên Hải Bắc Bộ; 2 lần đoạt giải Nhất kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh và mới đây là giải Khuyến khích kỳ thi HS giỏi Quốc gia môn Sử.

Vàng Thị Chử hiện là sinh viên Trường Đại học Công nghệ Đông Á (Nam Từ Liêm – Hà Nội). Em không chỉ là niềm tự hào của ngành Giáo dục Lào Cai mà còn là tấm gương để nhiều bạn trẻ người dân tộc tại thôn Hồng Ngài (huyện Bát Xát, Lào Cai) noi theo và học tập. Mơ ước của em sẽ được trở lại quê hương làm việc và góp phần vào xây dựng quê hương đất nước.

HS Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng, Si Ma Cai, Lào Cai. Ảnh: Đức Trí
HS Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng, Si Ma Cai, Lào Cai. Ảnh: Đức Trí

Vượt lên và khẳng định mình

Cô Đinh Thị Ngoan, dân tộc Mường sinh ra và lớn lên ở xã Cúc Phương (Nho Quan, Ninh Bình) mơ ước trở thành GV từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Khi trở thành GV, hiểu sự vất vả, thiếu thốn của trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số với sự học nên ngoài dạy kiến thức, trang bị kỹ năng sống… cô còn làm bạn đồng hành, lắng nghe chia sẻ, tâm sự của HS, hình thành cho các em nhân cách, đạo đức để trở thành những công dân tốt.

Với cương vị Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình, cô luôn trăn trở làm sao để HS vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nho Quan được học tập, sinh hoạt trong môi trường tốt nhất, giảm tỷ lệ HS bỏ học. Mặt khác, cô Ngoan cùng tập thể nhà trường thường xuyên nâng cao chất lượng GD-ĐT, giúp nhiều thế hệ học trò tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập và có nghề nghiệp, thay đổi cuộc sống.

Thầy Hoàng Hải Nam – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Ninh Bình  cho biết: Gần 15 năm gắn bó với Trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình, cô Đinh Thị Ngoan luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bằng tinh thần trách nhiệm cao, quản lý quy củ, hiệu quả, cô Ngoan đã giúp trường khởi sắc về chất lượng giáo dục. Hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ đạt thành tích cao.

Đặc biệt, cô Đinh Thị Ngoan từng đảm nhiệm vai trò Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình. Điều đó cho thấy nỗ lực không ngừng trong công việc, vươn lên, tinh thần tự học và nâng cao tri thức… để đáp ứng tốt yêu cầu công việc của nữ quản lý.

Tương tự, cô Ly Thó Trụ, GV dân tộc Hà Nhì tại huyện Bát Xát (Lào Cai) cũng là một điển hình của vượt qua thách thức trong tiếp cận giáo dục để trở thành GV dạy giỏi.

Mẹ mất khi còn nhỏ, cha đi bước nữa, cô Trụ được ông bà ngoại đưa về nuôi nhưng chỉ cho học hết mẫu giáo bởi quan niệm “con gái Hà Nhì lớn lên lấy chồng không cần học nhiều, học cao cũng không giúp ích gì…”. Thấy Trụ thất học, ông bà nội đón về cho đi học lớp 1. Được đi học, cô Trụ càng chứng tỏ cho mọi người hiểu con gái Hà Nhì có thể học tốt và làm được nhiều việc chứ không chỉ biết mỗi lên nương lao động chân tay và lấy chồng sớm….

Học xong tiểu học, Trụ xuống Mường Hum cách nhà 30km học Trường THCS nội trú của huyện. Hết THCS, Trụ tiếp tục học Trường Văn hóa hữu nghị Việt – Lào (Sơn Tây, Hà Nội). Năm lớp 10, cô đoạt giải Ba HS giỏi Văn cấp huyện. Lớp 11, đoạt giải Nhì. Năm 1998, Trụ trở thành sinh viên Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Ra trường, Trụ trở về quê hương làm GV dạy Ngữ văn tại Trường THCS Y Tý.

Với sự nỗ lực của mình, cô giáo Ly Thó Trụ trở thành hình mẫu của nhiều thế hệ HS người Hà Nhì tại Y Tý. Các em đã và đang học theo cô Trụ để khẳng định mình trong cuộc sống. 

Bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục trở thành yếu tố quan trọng trong sự phát triển của mỗi cá nhân và xã hội. Tuy nhiên để đạt được điều đó cần sự nỗ lực không ngừng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phái nữ và người dân tộc thiểu số. - Cô Ly Thó Trụ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.