Bình đẳng giới trong giáo dục: Chính sách dần hoàn thiện

GD&TĐ - Theo bà Nguyễn Thị Bích Hợp – Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) Bộ GD&ĐT, hầu hết các đơn vị bám sát chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về công tác VSTBPN.

Học sinh nam và nữ được bình đẳng trong học tập cũng như các quyền lợi khác. Ảnh: Sỹ Điền
Học sinh nam và nữ được bình đẳng trong học tập cũng như các quyền lợi khác. Ảnh: Sỹ Điền

Tỷ lệ nữ tham gia làm lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng; hiện tại đạt trên 63%. Điều này cho thấy chính sách về bình đẳng giới dần hoàn thiện, đi vào cuộc sống.

Thống nhất trong toàn ngành

Bà Hợp cho biết: Thời gian qua, công tác bình đẳng giới của ngành Giáo dục tiếp tục được triển khai nghiêm túc. Bộ GD&ĐT đã xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2016 - 2020 với 6 nhóm mục tiêu cụ thể; đồng thời triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình công tác liên quan tới hoạt động VSTBPN và bình đẳng giới. Ban VSTBPN tham mưu với lãnh đạo Bộ rà soát kỹ các yếu tố về giới, không để có nội dung bất bình đẳng về giới trong các văn bản được ban hành theo thẩm quyền của Bộ hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành; kể cả Chương trình, SGK giáo dục phổ thông 2018 cũng được rà soát, xóa bỏ những nội dung, hình ảnh liên quan đến định kiến giới.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn có các văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc trực tiếp ban hành quy định về quyền được học tập, nâng cao trình độ; quyền tham gia học tập và đạt chuẩn, trên chuẩn trình độ đào tạo, ở vùng miền khác nhau, ở tất cả cấp học, trình độ đào tạo, loại hình, phương thức đào tạo đều không có sự phân biệt nam, nữ và được quy định ổn định, thống nhất tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực GD-ĐT.

“Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục còn được thể hiện rõ ở khía cạnh học sinh nam và nữ được hưởng như nhau về học bổng, học phí và điều kiện hỗ trợ học tập khác” – bà Hợp chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh về cơ chế giám sát thực hiện bình đẳng giới, VSTBPN đối với các địa phương, cơ sở giáo dục.

Theo đó, trong văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác VSTBPN, bình đẳng giới hàng năm của ngành Giáo dục đều có nội dung về kiểm tra, giám sát. Định kỳ hàng năm, Bộ tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá công tác bình đẳng giới và hoạt động của Ban VSTBPN tại cơ sở giáo dục và các sở GD&ĐT.

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp.
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp.

Nỗ lực để xóa bỏ định kiến

Tâm đắc với phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam chia sẻ: Gần 30 năm qua, phong trào đã tạo động lực tích cực đối với nữ cán bộ nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ); giúp chị em hăng hái thi đua lao động, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời thực hiện thiên chức của người phụ nữ: Người con, vợ, người mẹ trong gia đình. Nuôi dạy con khỏe, ngoan, học giỏi, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Nhiều chị có hoàn cảnh khó khăn đã cố gắng vượt khó vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chăm sóc giáo dục con một cách khoa học, làm tốt nghĩa vụ với gia đình. Các chị động viên chồng con cùng chia sẻ công việc gia đình để có điều kiện chăm sóc sức khỏe và học tập nâng cao trình độ cho bản thân.

Đây là phong trào thi đua phù hợp đặc thù giới, tạo điều kiện và động lực cho phụ nữ trong việc phát huy phẩm chất và năng lực của mình, là môi trường tốt để nữ CBNGNLĐ không ngừng phấn đấu vươn lên. Song song với việc thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác, phong trào còn giúp chị em thi đua tổ chức, sắp xếp các hoạt động gia đình một cách khoa học, để gia đình thực sự là tổ ấm bình yên cho các thành viên trong gia đình trở về sau những giờ lao động, làm việc vất vả.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng Đỗ Thị Hòa cho biết: Hải Phòng có gần 25.000 nữ nhà giáo và lao động, chiếm trên 82% tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành. Hàng năm, Ban VSTBPN phối hợp với Ban Nữ công Công đoàn ngành Giáo dục xây dựng chương trình công tác, lấy mục tiêu bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trong đội ngũ nữ CBNGNLĐ làm nhiệm vụ trọng yếu; Lấy phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” làm động lực để thúc đẩy phong trào thi đua trong nữ nhà giáo và người lao động toàn ngành. Các phong trào đã thực sự đi vào đời sống của nữ nhà giáo và có tác động tích cực trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục toàn diện ở mỗi nhà trường.

PGS.TS Trần Viết Khanh - Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban VSTBPN của ĐH Thái Nguyên cho rằng: Để thực hiện tốt bình đẳng giới, cần nhìn nhận và thay đổi từ gốc rễ, trong đó cần xóa bỏ định kiến về giới ngay từ gia đình. Trong các cơ quan, đơn vị, cần bố trí, phân công lao động cho cán bộ nữ phù hợp hoàn cảnh, chuyên môn; tập huấn về nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác VSTBPN. Đồng thời cần có những chính sách và cơ chế cụ thể, không dừng lại ở tuyên truyền.

Cho rằng, để xóa bỏ định kiến về giới trong ngành Giáo dục, Phó Trưởng Ban VSTBPN (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Trước hết Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về bình đẳng giới, thông qua các hoạt động công đoàn, nữ công và hoạt động của Ban VSTBPN; tổ chức các lớp tập huấn theo chuyên đề về giới và lồng ghép giới trong công tác quản lý lãnh đạo và kỹ năng lồng ghép giới trong giáo dục ở các cấp. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Phối kết hợp với các tổ chức quốc tế, triển khai sâu rộng về bình đẳng giới trong các nhà trường ở mọi cấp học, bậc học.

Ngành Giáo dục có khoảng 80% nữ CBNGNLĐ, trong đó tỷ lệ giáo viên, giảng viên nữ chiếm trên 80%, cán bộ quản lý trên 63%. Đặc biệt, ở khối phổ thông, hầu hết các trường đạt Chuẩn quốc gia đều do nữ làm hiệu trưởng. Vì vậy phải khẳng định, nữ làm cán bộ quản lý không thua kém, thậm chí có nơi còn tốt hơn nam giới. - Bà Nguyễn Thị Bích Hợp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ