Bình đẳng giới trong giáo dục: Giải pháp từ gốc

GD&TĐ - Muốn phát huy hiệu quả bình đẳng giới (BĐG) trong giáo dục, cần cách tiếp cận toàn diện, từ chương trình, hành động của nhà trường cho đến bản thân mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh…

HS Đồng Tháp trong giờ thảo luận nhóm.
HS Đồng Tháp trong giờ thảo luận nhóm.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Phó ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ).

- Quan điểm của ông về vai trò BĐG trong ngành Giáo dục hiện nay là như thế nào?

- Vấn đề BĐG trong giáo dục thời gian qua luôn được quan tâm và được khẳng định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật; các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. 

BĐG là một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam. Năm 2006, Quốc hội thông qua Luật BĐG, đưa BĐG vào tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Đặc biệt, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Với ngành Giáo dục, vấn đề BĐG có vai trò quan trọng, luôn được quan tâm. Thực hiện tốt BĐG sẽ giúp tăng chất lượng nguồn nhân lực trong xã hội. Một nhà giáo dục đã viết: “Giáo dục một người đàn ông, ta được một gia đình, giáo dục một người phụ nữ ta được cả một thế hệ”. Do vậy, mọi học sinh cần được khuyến khích học tập, sáng tạo bình đẳng. BĐG trong GD-ĐT muốn phát huy hiệu quả cần cách tiếp cận toàn diện, từ môi trường dạy học, sách giáo khoa, chương trình, đến đội ngũ giáo viên, quản lý, chính sách, chế độ, quy định…

Với trách nhiệm quản lý Nhà nước, Bộ GD&ĐT đã tiến hành lồng ghép giới vào chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thực hiện rà soát vấn đề BĐG trong sách giáo khoa hiện hành. Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức BĐG cho cán bộ, nhà giáo, người lao động của ngành Giáo dục cũng đã đạt những kết quả đáng kể.

- Giáo dục BĐG trong nhà trường thực hiện ra sao, thưa ông?

- Giáo dục BĐG trong nhà trường hiện nay có nhiều hình thức, cụ thể như nội dung trong môn học Giáo dục công dân; thông qua hoạt động ngoại khóa; câu lạc bộ pháp luật trong trường học… Các trường học ở TP Cần Thơ còn có Tủ sách pháp luật. Theo đó, nội dung BĐG cũng được trang bị đầy đủ để thầy, trò tìm hiểu, tuyên truyền và thực hiện.

Nhân dịp các ngày lễ như Quốc tế phụ nữ; ngày Phụ nữ Việt Nam… thầy, trò còn tổ chức văn nghệ, trình diễn tiểu phẩm hoặc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, BĐG. Qua đó, công tác tuyên truyền về BĐG hết sức hiệu quả. Đây là giải pháp thiết thực, ý nghĩa, dễ đi vào lòng người, được nhà trường, phụ huynh, học sinh nhiệt tình ủng hộ.

Bên cạnh đó, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục thành phố thường xuyên chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nữ. Hoạt động này được tuyên truyền rộng rãi, giúp cán bộ, giáo viên, học sinh nữ hiểu biết, tự tin về vai trò nữ giới trong ngành… Quan điểm của ngành Giáo dục thành phố là giáo dục BĐG từ gốc, tức là tuyên truyền, giáo dục cho học sinh từ những việc nhỏ nhất, để các em học sinh cả nam và nữ thấy được vai trò của BĐG. Từ nhà trường, đến gia đình các em có cái nhìn khách quan, thực hiện tốt BĐG.

Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Phó ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ).
Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Phó ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ).

- Với Chương trình, sách giáo khoa, chính sách, chế độ… ở góc độ BĐG, ông thấy có sự thay đổi như thế nào?

- Thực hiện quy định về BĐG trong lĩnh vực GD-ĐT, những năm qua, phụ nữ và trẻ em gái luôn được tạo điều kiện bình đẳng với nam giới trong việc nâng cao trình độ văn hóa và trình độ học vấn. Tỷ lệ phụ nữ so với nam giới trong số người biết chữ đã tăng lên đáng kể. Chênh lệch về tỷ lệ học sinh nam - nữ trong các cấp bậc học được thu hẹp.

Đáng ghi nhận nhất chính là sự nhận thức, chú trọng công tác BĐG thể hiện rõ nét trong Chương trình, sách giáo khoa mới. Trước kia, BĐG chưa được chú trọng trong sách giáo khoa. Hình ảnh lực lượng công an, quân đội thiếu vắng bóng dáng phụ nữ. Còn việc nội trợ, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái thiếu vắng hình ảnh người nam… Tuy nhiên, với Chương trình, sách giáo khoa mới, vấn đề giới đã được quan tâm và chú trọng kỹ càng hơn. Các hình ảnh, nội dung trong sách có sự hài hòa giữa nam và nữ. Điều này tuy là chi tiết không lớn nhưng sẽ giúp học sinh nhận thức đầy đủ về BĐG. Chính các em là những chủ nhân tương lai của đất nước, là một gia đình trong xã hội. Từ nhỏ được giáo dục tốt về BĐG thì những người cha, người mẹ tương lai thực sự trở thành công dân ưu tú, đóng góp quan trọng vào nguồn lực cho xã hội.

Về chế độ, chính sách trong BĐG, ngành Giáo dục đã thực hiện tốt. Nữ giới tham gia vào vị trí chủ chốt, quan trọng trong các đơn vị, trường học ngày càng tăng. Cơ hội nâng cao trình độ, quy hoạch cán bộ cũng được nhà trường, phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT… quan tâm. Cùng với đó là bảo đảm cân bằng nam giới và nữ giới trong các khóa đào tạo, tập huấn ở các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân.

- BĐG trong ngành Giáo dục tuy đạt kết quả khả quan nhưng đâu đó vẫn có… điểm mờ do nhận thức người đứng đầu và ngay cả nữ giới. Để cải thiện tình hình, theo ông chúng ta nên làm gì?

- Việc thúc đẩy thực hiện BĐG trong lĩnh vực GD-ĐT cần được tăng cường hơn. Tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh thực hiện các quy định của pháp luật, chương trình hành động quốc gia về BĐG, trong đó có BĐG trong GD-ĐT. Cụ thể như hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng có con dưới 36 tháng tuổi, mang thai, nghỉ thai sản…

Truyền thông nâng cao nhận thức và chia sẻ thông tin hướng đến gia đình và trường học để khuyến khích và huy động trẻ em đến trường, tạo điều kiện hòa nhập cho những trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn. Chú trọng lồng ghép giới trong chương trình, sách giáo khoa, gồm nội dung, hình ảnh, ngôn ngữ đảm bảo BĐG...

Quan trọng nhất là bản thân mỗi phụ nữ phải tự lực tự cường phấn đấu vươn lên, rèn luyện theo các tiêu chí: Có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hóa để khẳng định mình, cống hiến cho đất nước cũng như gia đình.

- Xin cám ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.