Trao quyền cho người bệnh nhờ ứng dụng y tế khám chữa bệnh từ xa

GD&TĐ - Nhờ hệ thống khám chữa bệnh từ xa "Bác sĩ cho mọi nhà", hơn 1,3 triệu người dân đã được kết nối với cơ sở y tế.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn tham gia hội chẩn với Bệnh viện Bạch Mai.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn tham gia hội chẩn với Bệnh viện Bạch Mai.

"Cầu nối" giúp người bệnh được khám chữa bệnh kịp thời

Từ năm 2020, nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở và cải thiện tiếp cận của người dân và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu vùng xa với dịch vụ y tế chất lượng cao, Bộ Y tế đã triển khai phần mềm "Bác sĩ cho mọi nhà".

Tính tới nay, hơn 1,3 triệu người dân đã được kết nối với cơ sở y tế, hơn 3.000 nhân viên y tế được đào tạo về hệ thống.

TS. Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong bối cảnh giãn cách do đại dịch Covid-19, ngay từ năm 2020, Bộ Y tế đã triển khai đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” và khai trương trên 1.000 điểm cầu.

Đề án này được triển khai đã cứu sống được hàng nghìn người bệnh Covid-19 nặng. Đến nay, đề án đang được tích cực triển khai với hàng chục nghìn lượt người bệnh được tư vấn khám, chữa bệnh từ xa trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở và cải thiện tiếp cận của người dân và đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu vùng xa với dịch vụ y tế chất lượng cao, từ năm 2020, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã đồng hành cùng Bộ Y tế.

Qua đó, phát triển và thực hiện chương trình tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” tại 8 tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Cà Mau. Chương trình đạt được những kết quả tích cực.

Bằng cách sử dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa "Bác sĩ cho mọi nhà", hơn 1,3 triệu người dân đã được kết nối với cơ sở y tế, hơn 3.000 nhân viên y tế được đào tạo về hệ thống.

"Bác sĩ cho mọi nhà" là cầu nối cán bộ y tế tại trạm y tế xã với các đơn vị y tế tại tuyến huyện và các tuyến trên, giúp công tác tư vấn, hướng dẫn điều trị hiệu quả.

Chương trình có tính năng cuộc gọi truyền hình, hỗ trợ thực hiện các cuộc họp giao ban hoặc sinh hoạt chuyên môn. Phần mềm còn có ứng dụng điện thoại thông minh thân thiện với người dùng, trao quyền cho người dân trong cộng đồng địa phương, bao gồm cả người dân tộc thiểu số và người khuyết tật, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhận xét, tác động của sáng kiến y tế từ xa tuyến y tế cơ sở "Bác sĩ cho mọi nhà" ở Việt Nam đã được thể hiện thông qua phản hồi của người sử dụng tham gia khảo sát tại địa bàn thực hiện dự án này.

Việc triển khai phần mềm sáng tạo này đã thay đổi việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng cách trao quyền cho người bệnh lựa chọn và đặt hẹn với các cán bộ y tế vào thời điểm phù hợp nhất.

Người dân có nhu cầu khám, chữa bệnh có thể nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời từ Trạm y tế xã với sự tư vấn của bác sĩ tuyến trên thông qua kết nối trực tuyến sử dụng ứng dụng ‘Bác sĩ cho mọi nhà”.

Cách tiếp cận này không chỉ giảm chi phí cho người bệnh khi được chăm sóc y tế từ xa, mà còn nâng cao năng lực của cán bộ y tế tại Trạm Y tế xã, thúc đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe linh hoạt hơn.

Những kết quả khả quan

TTND. BSCKII Nguyễn Văn Giao, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho biết, trong quá trình tổ chức triển khai Dự án KCB từ xa, bước đầu Hà Giang cũng đã đạt được những kết quả khả quan.

Tuy nhiên, là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, hệ thống công nghệ đường truyền đôi lúc chưa ổn định, trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của đội ngũ y tế còn nhiều hạn chế. Đó cũng là một trong những khó khăn trong quá trình triển khai dự án.

Hiện tại, để có được hệ thống KCB từ xa từ tuyến xã đến tuyến tỉnh, Hà Giang đã lồng ghép một số chương trình để thực hiện kết nối hàng tuần giữa tuyến huyện, tỉnh với tuyến Trung ương, còn với tuyến y tế cơ sở thực hiện hội chẩn trực tiếp giữa tuyến tỉnh với tuyến huyện đối với những ca bệnh khó.

Trong thời gian tới, Hà Giang sẽ điều chỉnh, tổ chức thực hiện sự kết nối giữa các Trạm Y tế với Trung tâm thường trực cấp cứu tuyến huyện để hỗ trợ tuyến cơ sở thiết thực và hiệu quả hơn trong.

“Có thể nói, Y tế từ xa được triển khai trong thời gian qua tại Hà Giang không chỉ nâng cao năng lực cho nhân viên y tế tuyến dưới, mà còn nâng cao hiệu quả điều trị tại cơ sở giúp người bệnh những nơi vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các dịch vụ KCB chuyên sâu, giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến và tận dụng được giờ vàng cho bác sỹ và người bệnh trong điều trị”, BSCKII. Nguyễn Văn Giao chia sẻ.

Theo TS. Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế: “Khám chữa bệnh từ xa trước đây là tập trung nhiều vào một số bệnh và tư vấn, hỗ trợ từ tuyến trung ương cho tuyến tỉnh cho đến tuyến huyện. Nhưng dự án này tập trung cho y tế cơ sở tức là tuyến xã. Tuyến xã sẽ được trang bị hạ tầng là máy tính, đã có phần mềm. Sau này sẽ đưa cán bộ y tế xã đi tập huấn, hỗ trợ chuyên môn về chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đây là bước khởi đầu, trên cơ sở đó Bộ Y tế, Vụ Kế hoạch tài chính cùng với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ có các lộ trình tiếp theo".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ