Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một trong những điểm nhấn của dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh ngành cao đẳng mầm non vừa được Bộ GD&ĐT công bố là điểm xét tuyển, trúng tuyển các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Đây là điểm mới, chưa từng triển khai trước đây. Từ thực tế những năm qua cho thấy, hầu hết cơ sở giáo dục đại học phân bổ chỉ tiêu riêng cho từng phương thức, thậm chí tổ hợp môn xét tuyển. Trên cơ sở đó, cơ sở đào tạo áp dụng các tiêu chí xét tuyển để tính điểm xét của thí sinh và xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu mỗi phương thức, tổ hợp môn xét tuyển.

Ưu điểm là, các trường có thể sử dụng xét tuyển sớm, chủ động hoàn thành kế hoạch tuyển sinh. Tuy nhiên, việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức hay tổ hợp xét tuyển của một ngành đào tạo khó có cơ sở khoa học hay thực tiễn. Vô hình trung dẫn tới chênh lệch điểm trúng tuyển một cách bất hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển.

Đồng thời đẩy điểm chuẩn của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT lên cao do chỉ tiêu dành cho phương thức này không còn nhiều, đặc biệt với các ngành, trường “hot”. Điều này gây bất công bằng về cơ hội cho những thí sinh không có điều kiện tiếp cận nhiều phương thức xét tuyển.

Từ thực tiễn nêu trên, Bộ GD&ĐT đề xuất thống nhất áp dụng quy đổi tương đương điểm xét của các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển về một thang điểm chung, thống nhất với mỗi chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Trên cơ sở đó xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho hầu hết chỉ tiêu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo; trừ trường hợp xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm các thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định cách thức quy đổi phải bảo đảm cơ hội cho mọi thí sinh có thể đạt mức điểm tối đa của thang điểm chung; đồng thời không có thí sinh nào có điểm xét vượt mức điểm tối đa này. Tất nhiên, các cơ sở đào tạo sẽ phải nghiên cứu để quy định lại việc cộng điểm chứng chỉ ngoại ngữ và điểm cộng ưu tiên khác. Qua đó hạn chế việc lạm dụng, không công bằng giữa các thí sinh có điều kiện đầu tư cho học tập khác nhau.

Khi đó, tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển công bằng dựa trên một thang điểm và điểm chuẩn trúng tuyển chung. Cơ hội trúng tuyển của những thí sinh có năng lực thực sự sẽ tăng lên và chất lượng đầu vào các trường cũng tăng theo. Các trường vẫn có cơ hội xét tuyển sớm để chủ động tuyển được những thí sinh giỏi nhất; đồng thời các em có năng lực tốt nhất có cơ hội trúng tuyển sớm và chủ động quyết định lựa chọn con đường học tập phù hợp.

Nói như đại diện một số cơ sở giáo dục đại học thì việc quy điểm xét tuyển về cùng một thang điểm sẽ chọn được phương thức xét tuyển phù hợp nhất với ngành/chương trình đào tạo mà đơn vị đang tuyển sinh. Đồng thời so sánh được các thí sinh với nhau để chọn được sinh viên phù hợp nhất vào học.

Theo lý giải của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, quy định trên nhằm thực hiện nguyên tắc cơ bản trong giáo dục là công bằng. Qua đó nâng cao chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo. Quy định này không tạo ra rào cản nào và cũng không buộc các trường phải sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi. Nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống, lợi ích của từng thí sinh, đảm bảo sự công bằng khi các em tham gia xét tuyển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.