Vượt núi đến trường
Y Minh (SN 2001, xã Ngọc Linh, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em và thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Là con thứ 5 trong nhà, từ nhỏ cuộc sống của em đã quanh quẩn bên nương rẫy, núi rừng và những phong tục tập quán của đồng bào dân tộc mình.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh chị của Minh không được học đến nơi đến chốn mà lần lượt lập gia đình rồi gắn bó với công việc đồng áng. Riêng Minh, từ nhỏ em đã được bố mẹ đưa theo làm nương rẫy nên cũng đã cảm nhận được những khổ cực từ công việc tay chân. Ngày này qua tháng khác em chứng kiến bố mẹ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng chẳng dư giả được là bao. Có những năm mùa màng thất bát cả nhà còn thiếu gạo ăn.
Kể từ đó, Minh luôn nuôi ước mơ có thể thoát nghèo, thoát khỏi nương rẫy, cuốc, cày… Mà con đường duy nhất có thể giúp em thực hiện ước mơ đó là học và học thật giỏi. Thế rồi, chẳng cần bố mẹ la rầy hay anh chị hối thúc học, Minh tự giác trong việc học cũng như sinh hoạt của mình.
Đến năm lớp 6 nhờ kiến thức và học lực của mình, Minh thi đậu vào Trường PTDT Nội trú tỉnh Kon Tum. Từ ngày đó, Minh bắt đầu cuộc sống xa nhà với những điều mới mẻ trước mắt.
Nhà cách xa trường, điều kiện lại khó khăn nên mỗi năm Minh chỉ về được 2 lần là Tết và hè. Do chi phí ăn uống và ở của Minh cùng các bạn được Nhà nước lo nên mỗi năm bố mẹ Minh chắt góp cho em khoảng 1 triệu đồng để ăn uống, bồi bổ thêm cho cơ thể.
“Bố mẹ làm lụng cực khổ, cái ăn lo còn khó nên khi cầm tiền mồ hôi, nước mắt của bố mẹ em tự nhủ bản thân phải chăm lo học hành để không phụ sự hi sinh của cả nhà”, Minh rưng rưng nước mắt nói.
|
Ước mơ của Minh
Nói về ước mơ sau này của mình, Minh bỗng dưng im bặt một hồi, mặt cúi gằm xuống như cố dấu hai hàng nước mắt đang chực trào trên khóe mắt. Im lặng hồi lâu, Minh thỏ thẻ nói: “Trong kỳ thi này em đăng kỳ 3 nguyện vọng, nhưng em mong nhất là đậu ngành Ngôn ngữ Anh ở Trường đại học tại Đà Nẵng. Sau này ra trường em ước được làm phiên dịch viên để được gặp nhiều người, được đi đến các nước khác nhau để trải nghiệm phong tục, nền văn hóa… của nước bạn. Đặc biệt hơn cả là em có thể thoát nghèo, có thể chăm lo cho bố mẹ tốt hơn”.
Cô Hồ Thị Mai Lý - Phó hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú tỉnh Kon Tum cho biết, trong năm học 2018 - 2019 toàn trường có 454 học sinh, trong đó có 131 em học sinh lớp 12 tham gia Kỳ thi THPT quốc gia.
Theo cô Lý, các em học sinh đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc đi học xa trường nên được Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ quần áo, ăn, ở… Tuy nhiên, các em học sinh do sinh sống ở các khu vực xa xôi, khó khăn nên thói quen sinh hoạt cũng khác. Do đó, khi xuống trường các em khó khăn trong lối sống, các thầy cô phải thường xuyên nhắc về quần áo, chỗ ăn ở…
Sau một thời gian theo học tại trường các em đã tập được những thói quen mới, lành mạnh…
Liên quan đến trường hợp của Minh, cô Lý cho biết, gia đình em thuộc diện khó khăn, bố mẹ làm nông, nhà đông anh chị em. Mặc dù nhà cách trường gần 200km nhưng Minh rất quyết tâm và đạt được nhiều thành tích cao trong học tập. Vừa qua, Minh thi học sinh giỏi môn Văn cấp tỉnh và đạt giải Nhì, đồng thời đạt giải Khuyến khích Văn hóa đọc cấp tỉnh.