Clip ghi lại vào buổi tối với hình ảnh nhiều người dân đang đi bộ hoặc đi xe máy trên đường tạt vào tranh thủ lấy cây, hoa được thành phố Hà Nội trang trí bên ngoài một khách sạn ở khu vực Mỹ Đình. Người lấy ít thì 1 – 2 chậu, người lấy nhiều thì dồn chậu hoa thành một đống to để xếp lên xe chở đi. Cả bồn hoa to đẹp được xếp hình cầu kì bằng nhiều chậu cúc vàng, hoa trạng nguyên... chỉ trong chớp mắt “bốc hơi”. Đáng nói đây là khu vực đông người, có nhiều khách du lịch nước ngoài qua lại.
Một nhà giáo về hưu sau khi xem clip đã rất buồn bã. Ông bức xúc trước nhóm người lớn ích kỷ, vô ý thức đi hôi của, mang chậu hoa về nhà trưng được mấy ngày nhưng nhân cách thì mất đi mãi mãi. Túng thiếu gì chậu hoa mà lũ lượt hành động phản cảm. Một số người nghĩ chậu hoa bé tí, giá trị gì mà cứ quan trọng hóa vấn đề.
Xin thưa dù là cái kim, sợi chỉ, nếu không phải của mình mà chiếm làm của riêng thì vẫn được định nghĩa là ăn cắp. Mới đầu là chậu hoa, rồi sau quen tay, cứ thấy cái gì lấy được là lấy. Trong nhà người lớn hành xử vô pháp vô thiên, làm sao dạy dỗ con cháu. Bị bắt gặp ở trong nước thì còn du di, trọng tình, nhưng ra ở nước ngoài bổn cũ soạn lại, tắt mắt, tiện tay rồi trả giá đắt.
Xem nhóm người nhốn nháo trộm hoa lại nghĩ đến các lễ hội hoa thời gian gần đây. Hoa thì ít mà người canh thì nhiều. Đi ngắm hoa nhưng lại cứ phải đi trong những đôi mắt nghi ngờ và đôi tay chực chờ gạt đẩy của các vệ sĩ canh hoa. Cũng thông cảm cho họ, bởi nhiều sự vụ đã xảy ra. Sểnh ra một giây thôi là hoa bị ngắt, lá bị vặt, cành bị vít một cách hồn nhiên. Sau này, các ban tổ chức lễ hội hoa rút kinh nghiệm làm nhiều cây hoa giả, nhưng cuối cùng thì hoa giả cũng bị… ngắt trụi. Kết thúc lễ hội là “giúp” ban tổ chức thu dọn, chen nhau bê chậu hoa về nhà!
Chắc chắn những người vô ý thức, tắt mắt đồ không phải của mình sẽ xấu hổ khi biết được những câu chuyện về sự trung thực của các em HS. Mới đây, báo chí đưa tin về nữ sinh nghèo đứng cả giờ đồng hồ chờ người đánh rơi túi tiền để trả lại. Đó là em Trần Thị Tùng Lâm - HS lớp 8C, Trường THCS Cẩm Hòa, xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Trên đường đi học về, Lâm nhặt được chiếc túi nylon màu đen có hơn 30 triệu đồng rơi bên đường. Lâm giản dị kể lại: “Khi nhặt được, em nghĩ số tiền này người mất phải rất vất vả mới có được nên phải trả lại. Em chờ mãi thì thấy ông Nguyễn Tâm Thăng cùng người thân đang đi dò hỏi người dân sống hai bên đường để tìm số tiền đã đánh mất. Thấy vậy nên em gọi ông Thăng lại hỏi và trao trả cho ông ấy”.
Hay như trường hợp hai em HS lớp 3 Ngô Nhất Phi và Trịnh Ngọc Mạnh - Trường Tiểu học Định Tân, huyện Yên Định (Thanh Hóa), nhặt được chiếc ví bên trong có 15 triệu đồng. Hai em đã mang đến Công an xã Định Tân trình báo và nhờ trả lại người đánh rơi. Nữ sinh Nguyễn Hoàng Ngọc Trâm - lớp 5/5, trường Tiểu học Phước Tiến, TP Nha Trang (Khánh Hòa) - nhặt túi xách có gần 12 triệu đồng cùng điện thoại iPhone X đã tìm đến thầy giáo nhờ tìm chủ nhân… Rất nhiều tấm gương HS có hành động đẹp trên khắp các trường học Việt Nam được vinh danh hàng ngày. Trong suy nghĩ của các em, đó là việc bình thường. Đương nhiên, như những lời dạy bảo của thầy cô đã thấm vào em bao ngày lên lớp: “Đói cho sạch, rách cho thơm/ Nhặt được của rơi trả người đánh mất”.
Đừng nghĩ hành động trộm chậu hoa không ai biết là ai đó không tác động đến GD. Đừng để cứ chuyện gì không hay thì đổ lỗi cho nhà trường, thầy cô giáo. Chính những hành động thường ngày của người lớn trong gia đình, ngoài xã hội lại trở thành “tấm gương mờ” cho con cháu soi vào.