Nữ sinh dân tộc thiểu số và bài học về quấy rối tình dục cho những người xung quanh

GD&TĐ -Tòng Thị Nguyên – nữ sinh dân tộc Thái khoa Lịch sử trường Đại học Tây Bắc là một trong số những sinh viên tiêu biểu đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt cấp Trung Ương. Đây là nữ sinh dân tộc thiểu số có nghị lực mạnh mẽ vươn lên trong học tập và ý thức cao trong cuộc sống.

Nữ sinh dân tộc thiểu số và bài học về quấy rối tình dục cho những người xung quanh

Quyết tâm đi học khi nhìn thấy hình ảnh mẹ trong cơn lũ

Sinh ra trong 1 gia đình có 4 anh chị em và sống trong một gia đình có 4 thế hệ, Nguyên đã phấn đấu hết mình để vươn lên, đấu tranh để được đi học và mong muốn thực hiện ước mơ trở thành cô giáo dạy Lịch sử.

Tước đây, khi học hết lớp 12, bạn bè thi nhau chuẩn bị hồ sơ vào Đại học thì Nguyên phải mạnh mẽ thuyết phục bố mẹ cho mình đi thi. Bởi hoàn cảnh gia đình và gánh nặng nhọc nhằn nuôi côn quá lớn khiến bố Nguyên lo ngại. Thế rồi, chính mẹ của cô gái đã động viên con tiếp tục con đường học hành. Bởi, người mẹ ấy mới chỉ học hết lớp 3, nét chữ còn nguệch ngoạc, vần thơ còn đọc ngọng nhưng hàng ngày, chính đôi tay của mẹ đã lên nương sớm tối nuôi các con. Biết bao mùa lũ tàn phá, mẹ của Nguyên vẫn gượng dậy để trồng rau, chăm sóc vườn cây để có tiền trang trải cuộc sống mà chưa hề than vãn.

Những hình ảnh của mẹ ngồi ủ rũ ôm cây chuối nhìn ra bãi đất xa xa khi lũ cuốn sạch ruộng rau sắp được thu hoạch. Đó là nguồn sống của cả gia đình, nên mẹ lại không thể từ bỏ mà bước tiếp. Từ đó, Nguyên đã nuôi ước mơ được đi học, để sau này thoát nghèo.

Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, 4 năm Nguyên học Đại học, mẹ cũng chẳng có điều kiện đi thăm con. Thế nhưng, cũng phần vì yên tâm bởi cô con gái trưởng thành có nghị lực vượt qua khó khăn.

Hàng ngày, ngoài việc học, Nguyên còn đi làm thêm để lấy tiền lo cho cuộc sống xa nhà. “Những lúc em đi làm thêm buổi tối về muộn, cái lạnh của miền Bắc, những cơn mưa cứ sối xả vào mặt, đạp xe trên con phố vắng tanh, lúc đó chỉ mong con đường ngắn lại. Nhưng khi lần đầu tiên nhận tiền đi làm thêm, cầm trên tay đồng tiền mình tự kiếm được, những lúc đó em mới thấu hiểu những khó khăn mà mẹ em đã luôn cố gắng, hi sinh cho chúng em. Tự dặn lòng em phải cố gắng hơn nữa” – Tòng Thị Nguyên chia sẻ.

Xác định việc học vẫn là chính nên Nguyên rất chăm chỉ học tập, em thường xuyên nhận được học bổng, thành tích học tập vào top đầu của lớp và còn là cán bộ Đoàn gương mẫu. Mới còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyên đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Hàng loạt những giấy khen, những thành tích được tuyên dương đều ghi một đấu ấn và là động lực để bản thân cô gái trẻ cố gắng hơn nữa, nhưng đối với Nguyên vinh dự nhất là khi được trở thành 1 trong 190 bạn sinh viên đạt danh hiệu sinh viên năm tốt cấp trung ương năm 2018. Đây là một danh hiệu cao quý của sinh viên Việt Nam, là minh chứng cho sự nỗ lực và cố gắng của các bạn sinh viên trong suốt năm học và hoàn thiện ở 5 tiêu chí.

Để học sinh hiểu đúng và nói không với quấy rối tình dục

Là sinh viên dân tộc thiểu số, Nguyên rất ý thức được việc phải tuyên truyền những kiến thức sâu rộng đến cho những người xung quanh, đặc biệt là việc an toàn và nói không với quấy rối tình dục.

Nguyên đã tham gia khóa học “khuôn viên an toàn và nói không với quấy rối tình dục”. Nguyên cho biết: “Em được học về những hình thức quấy rối, xâm phạm, cách phòng tránh, lắng nghe những chia sẻ . Em nghĩ mọi người nên có cách nhìn đúng và giúp đỡ mọi người xung quanh, đừng thờ ơ, hãy cùng nhau lên tiếng và chung tay vì một khuôn viên an toàn, đặc biệt môi trường đại học và nơi để các bạn sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học, việc có 1 khuôn viên an toàn là điều vô cùng cần thiết”.

Nguyên cũng đã từng đạt giải thưởng trong chương trình sinh viên Việt Nam những câu chuyện đẹp, nhưng Nguyên vẫn khiêm tốn cho rằng bản thân mình còn cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Nguyên nói: “Mỗi bạn đều có những câu chuyện riêng, và mỗi bạn là một tấm gương sáng để học tập, nhưng có lẽ em ấn tượng với câu chuyện của bạn Lê Thị Thắm, học sư phạm Tiếng anh trường Đại học Hồng Đức tỉnh Thanh Hóa. Đó là một tấm gương đầy nghị, dù không có tay, gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống nhưng không hề lùi bước trước những thách thức của cuộc sống. Không những vậy bạn ấy còn đạt được những thành tích rất cao trong học tập”

Ước mơ của Nguyên là được trở thành một cô giáo giảng dạy lịch sử để có thể truyền đạt cho các em, học lịch sử để biết về quá khứ, hiểu hiện tại và hướng về tương lai. Cô gái trẻ này cũng muốn trở thành một cán bộ Đoàn – Hội, bởi đó là nơi em được rèn luyện và trưởng thành, để truyền lửa nhiệt huyết, để được sống và cống hiến hết mình vì tuổi trẻ, cùng những người giáo viên viết lên bài ca thanh xuân ươm mầm xanh cho đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ