Nữ sinh nghèo khát khao ước mơ đại học

GD&TĐ - “Nếu thi đỗ mà không có tiền đi học thì em vẫn phải bỏ học để đi làm” - đó là tâm sự của em Đinh Thị Minh Thư - thí sinh chuẩn bị thi THPT Quốc gia năm nay.

Nhiều thí sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được "Tiếp sức mùa thi" hỗ trợ. Ảnh minh họa.
Nhiều thí sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được "Tiếp sức mùa thi" hỗ trợ. Ảnh minh họa.

Minh Thư là học sinh trường THPT Đoàn Kết (Đồng Nai). Gia đình em thuộc diện rất khó khăn. Bố mẹ và anh trai đều phải đi làm thuê mà vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Trong khi đó, bố của Thư còn thường xuyên ốm đau vì bệnh hen suyễn và tiểu đường. Căn nhà chưa đến 20m2, 4 người cùng nhau ở. Ngó quanh nhà, không có vật dụng gì đáng giá. Chiếc giường kê giữa nhà chính là gạch đi xin nhà hàng xóm về kê tạm, ba mẹ con ngủ, bố nằm dưới đất.

Thế nhưng, chị Nguyễn Thị Phương Tâm – mẹ của Thư cho biết: “Căn nhà lợp tạm này là đất chúng tôi đi mượn ở nhờ. Thương các con không biết bao giờ mới có nhà để ở. Năm nay, cháu đi thi, tôi còn chưa biết lấy tiền đâu nếu con được đi học, nhưng nếu không học thì cả đời con đời cháu cứ mãi khổ”.

Thương bố mẹ vất vả, nhà nghèo. Thư rất chăm học, năm nào em cũng đạt học sinh xuất sắc. Ngay từ năm lớp 11, em vừa đi học, vừa đi làm thêm để lấy tiền trang trải cuộc sống. Hàng ngày, cứ đi học về, nấu cơm xong, lại ôn bài rồi những ngày nghỉ, Thư lại tranh thủ đi làm thêm. Em thường nhận phục vụ bàn trong những ngày nghỉ hoặc ngày lễ, tết. Số tiền kiếm được em đều gom góp để đóng học. Thư cho rằng, đi làm thêm cũng giúp cho em có thêm nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, chỉ mong rằng sau này, tương lai của em sẽ tươi sáng hơn.

Năm lớp 12, do không đủ tiền để ôn thi tốt nghiệp, Thư đã viết đơn lên nhà trường và em được giảm 50% học phí. Đối với em, ngoài việc học, lúc nào cũng canh cánh mối lo cơm áo gạo tiền và những khoản chi phí. Có lẽ vậy mà mới học lớp 12, trông Thư đã già dặn so với tuổi hồn nhiên, ngây thơ theo đúng nghĩa.

“Em dự định thi trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và trường Đại học Tôn Đức Thắng. Thế nhưng, chi phí học trên thành phố khá đắt đỏ, tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt và còn tiền học phí nữa, có lẽ em sẽ bảo lưu kết quả rồi đi làm có tiền mới tính chuyện học tiếp. Em muốn được đến trường như các bạn lắm nhưng ước mơ của em sẽ tạm dừng lại và chờ đợi…” – Thư chia sẻ.

Thư là một trong số những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn được Ban tổ chức Tiếp sức mùa thi nhận giúp đỡ cho em trong quá trình thi Đại học. Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương hội Sinh viên Việt nam và Tập đoàn Thiên Long tổ chức .

Ông Trịnh Văn Hào – Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long, đại diện Ban tổ chức Tiếp sức mùa thi – chia sẻ: “Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương đã hoàn tất danh sách thí sinh có hoàn cảnh khó khăn và chuyển về ban tổ chức Tiếp sức mùa thi năm 2018.

Điều đáng mừng là sau khi một số hoàn cảnh thí sinh được nhắc đến chia sẻ trên truyền thông, nhiều nguồn lực xã hội đã cùng chung tay để hỗ trợ các em. Ban tổ chức Tiếp sức mùa thi sẽ nỗ lực hết sức để rà soát các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước để kịp thời hỗ trợ các em về vật chất lẫn tinh thần trong mùa thi sắp tới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.