Nối dài yêu thương

GD&TĐ - “Bếp tình thương” của điểm trường thôn Đắk Ka (Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông) và điểm trường Ty Tu (Trường Tiểu học xã ĐắK Hà của huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) vừa được nhận nguồn hỗ trợ ý nghĩa.

Tấm lòng những người giáo viên vùng cao được thể hiện qua bếp ăn tình thương.
Tấm lòng những người giáo viên vùng cao được thể hiện qua bếp ăn tình thương.

Đó là kinh phí để các thầy cô giáo duy trì bữa ăn bán trú cho HS. 

Thầy Nguyễn Ngọc Huynh – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông chia sẻ, sự quan tâm, những lời thăm hỏi cùng sự hỗ trợ của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác thực sự có ý nghĩa khích lệ, động viên với thầy cô và HS của nhà trường. Những phần quà không chỉ giúp nhà trường duy trì và tổ chức bếp ăn bán trú tốt hơn cho HS tại thôn Đắk Ka, mà còn giúp cho các em giảm bớt khó khăn, yên tâm học tập, vươn lên trong cuộc sống. 

Tu Mơ Rông là huyện có địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai, giao thông thường bị chia cắt do sạt lở vào mùa mưa. Công tác giáo dục vì vậy cũng gặp rất nhiều khó khăn. Xuất phát từ tình cảm, sự tận tâm, tận tụy và trách nhiệm, nhiều thầy cô giáo ở Tu Mơ Rông đã vượt qua khó khăn, có nhiều sáng kiến giữ chân HS ở lại trường để duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục. Điển hình như câu chuyện của thầy A Phiên (GV Trường TPDTBT Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông) hàng ngày ra trường chính nhận thức ăn rồi đem về điểm trường thôn Đắk Ka vừa dạy học vừa làm đầu bếp, chăm chút từng bữa ăn cho HS để các em không nghỉ học vào buổi chiều.

Hay tập thể GV Trường Tiểu học Đắk Hà do cô Hồ Thị Thùy Vân làm “thuyền trưởng” đã tự nguyện đóng góp 100.000 đồng/tháng để tổ chức bữa cơm tình thương tại điểm trường thôn Ty Tu. Những chia sẻ của thầy A Phiên và cô Hồ Thị Thùy Vân trong chương trình “Thay lời tri ân” nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 mới đây đã khiến nhiều khán giả xúc động. Trước đây, khi chưa có bữa ăn tại trường, do gia đình khó khăn nên có nhiều em phải nhịn bữa trưa khi đi học về. Buổi chiều, HS thường vắng rất nhiều. Bữa cơm trưa cho các em là nỗ lực và tình yêu lớn của các thầy cô dành cho học trò nghèo, để các em có thêm động lực tới trường, bám trụ với con chữ.

Cô Nguyễn Dương Quý luyện chữ cho HS Đắk Ka.
Cô Nguyễn Dương Quý luyện chữ cho HS Đắk Ka.

Những tấm lòng kết nối những tấm lòng để nối dài thương yêu, chăm chút cho những mầm non ở nơi vùng đất khó. “Bếp ăn tình thương” Đắk Hà và Ty Tu được tiếp thêm nhiều ngọn lửa ấm khi được hỗ trợ gạo, tiền để tiếp tục duy trì. 

Trong lễ cúng đặt viên gạch đầu tiên cho ngôi trường mới trên đỉnh Ngọc Linh, già làng Nguyễn Đình Nớ báo cáo với các thần linh, các Yang núi, Yang sông rằng “đây là món quà của người miền xuôi, các thầy cô giáo mang lên để tặng cho con cháu trong làng Tắk Pổ” (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Dù không còn dạy học ở điểm trường Tắk Pổ, nhưng hơn ai hết, cô giáo Trà Thị Thu không giấu được xúc động: “Em rất hạnh phúc và không nghĩ là điểm trường được xúc tiến xây dựng nhanh như vậy. Đây là câu chuyện có một cái kết đẹp như cổ tích”.

Từ câu chuyện tiếp lửa cho bếp ăn tình thương của HS vùng khó và “ngôi trường cổ tích” Tắk Pổ cho thấy, những yêu thương, chăm chút, sự tận tâm, tận hiến của thầy cô giáo với HS chính là sợi chỉ đỏ để kết nối những tấm lòng cho sự nghiệp giáo dục.     

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.