Bữa ăn bán trú cho học sinh ở Thành phố Cần Thơ: Liên ngành chung tay

GD&TĐ - Để tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh (HS), ngành Giáo dục và Y tế TP Cần Thơ luôn song hành, bảo đảm công tác tổ chức và vệ sinh thực phẩm. Nhiều trường tổ chức bếp ăn tại chỗ để phụ huynh và nhà trường có thể kiểm soát được nguồn thực phẩm, quy trình chế biến...

Nhân viên nấu ăn chuẩn bị bữa trưa cho HS Trường TH Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ)
Nhân viên nấu ăn chuẩn bị bữa trưa cho HS Trường TH Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ)

Gần 50% trường tổ chức bếp ăn bán trú

Là đô thị trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm TP Cần Thơ phải đối mặt với tình trạng di dân cơ học và áp lực tăng sĩ số HS ở các quận nội thành. Việc tổ chức bữa ăn bán trú HS cấp mầm non, tiểu học luôn là áp lực lớn cho ngành Giáo dục.

Để tổ chức ăn bán trú cho HS, trước đây các trường có thể ký hợp đồng với đơn vị dịch vụ bên ngoài. Tuy nhiên, đồ ăn cho HS khi chuyển đến trường không còn được nóng và quan trọng nhất, nhà trường khó kiểm soát được chất lượng. Tổ chức bếp ăn ngay tại trường cần nguồn nhân lực, vật lực khá lớn; đổi lại nguồn thực phẩm và khâu vệ sinh, an toàn sẽ bảo đảm hơn. Đến nay, đa số các trường ở các quận nội thành TP Cần Thơ tổ chức bếp ăn bán trú.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, thành phố có 84/176 trường dạy 2 buổi/ngày có tổ chức bếp ăn bán trú với 35.882 HS (tỷ lệ 45,48%). Trong đó, cấp học mầm non và tiểu học có HS ăn bán trú nhiều nhất. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và Giáo dục nên công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn được thực hiện tốt. Vào đầu năm học, cán bộ, giáo viên, nhân viên của các trường đều được tham gia tập huấn kiến thức, quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khu vực bếp ăn của các trường được xây dựng theo quy trình “1 chiều”; nhà bếp được trang bị đầy đủ tủ lạnh, tủ lưu mẫu thực phẩm sống và chín riêng biệt... Thực hiện lưu mẫu thức ăn hằng ngày theo quy định và có hợp đồng nhập thực phẩm, cam kết trách nhiệm với các cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín trên địa bàn. Các trường cũng ký cam kết không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc. Các món ăn được thay đổi liên tục nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho học sinh.

Ông Trần Thanh Chánh - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Công tác HS, SV (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo tổ chức bữa ăn bán trú trong các nhà trường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, triển khai thực hiện phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm, đảm bảo không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học.

Ngành Giáo dục phối hợp với các phòng chức năng và ngành Y tế thường xuyên kiểm tra nắm tình hình việc thực hiện công tác đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại trường học có tổ chức bán trú, bếp ăn tập thể trên địa bàn. Thời gian qua, giáo viên và HS được chăm sóc tốt sức khỏe, vệ sinh môi trường được quan tâm, không có dịch bệnh, hay ngộ độc thực phẩm xảy ra”.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Để đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho các lớp ăn bán trú, các trường học ở TP Cần Thơ ký hợp đồng nhập nguyên liệu của các công ty, cửa hàng có uy tín, có chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đội ngũ sơ chế, chế biến thức ăn cũng được tập huấn về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bà Nguyễn Kiều Phương - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy cho biết: “Để bảo đảm an toàn tại các bếp ăn trường học, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe HS, các điều kiện vệ sinh trường học được nâng cao.

Ngành Giáo dục chỉ đạo cơ sở giáo dục xây dựng các hoạt động bán trú trong trường học, trong đó có thực đơn cụ thể trong tuần, tháng đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Đối với lực lượng trực tiếp tham gia chế biến thức ăn phải có kiến thức dinh dưỡng, cơ cấu bữa ăn hợp lý. Nhân viên các trường có tổ chức bếp ăn phải kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm...”.

Theo Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, trên địa bàn 25 trường mầm non, tiểu học có tổ chức ăn bán trú với số lượng hơn 2.000 HS. Để phục vụ bữa ăn cho các em, một số trường học tổ chức bếp ăn tại chỗ, cũng có trường học hợp đồng với cơ sở nấu ăn bên ngoài. Ngành Giáo dục quận cùng ngành Y tế thường xuyên tiến hành kiểm tra, nhắc nhở công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại trường học và các cơ sở nấu ăn.

Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường đặc biệt chú trọng. Hầu hết các trường thực hiện ăn bán trú, khu vực nhà bếp được vệ sinh sạch sẽ, ngăn nắp, quy trình chế biến thức ăn được đảm bảo…

Tuy nhiên, trong tổ chức ăn bán trú cho HS, TP Cần Thơ cũng gặp không ít khó khăn. Đến nay, toàn thành phố thiếu 396 phòng học để bảo đảm 1 phòng/lớp, 48 trường còn thiếu các phòng chức năng. Đơn cử như quận Ninh Kiều, hiện tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày là 18.001/20.765 HS (tỷ lệ 86,9%).

Do địa bàn rộng, dân cư thường xuyên biến động cơ học nên phòng, lớp chưa đủ đáp ứng cho số HS tăng từng năm. Số HS/lớp, số lớp/trường vượt quy định. Nhiều trường chỉ được đầu tư cho khối phòng học và làm việc mà chưa có khối phòng phục vụ hoạt động bán trú. Các trường đang khai thác sử dụng phòng học “hai trong một”, tận dụng các hành lang để tổ chức ăn cho HS nên cũng gặp nhiều khó khăn.

Nhiều trường học lo ngại vì hiện nay có quá nhiều điểm bán hàng rong trước cổng trường, là nơi HS ăn uống trước khi vào lớp hay tan trường. Những hàng quán trước cổng trường có những đồ ăn không thể kiểm soát được. Trước thực trạng này, các trường đề nghị cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo sức khỏe cho HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ