An toàn bữa ăn bán trú
18 học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Hạ Long) bị đau bụng, buồn nôn sau bữa ăn trưa tại trường, nghi bị ngộ độc thực phẩm cuối tháng 10 vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tuy không để lại hậu quả nặng nề, đến cuối ngày các em đều đã ổn định sức khỏe, song các nhà trường cần phải nghiêm túc trong việc tổ chức các bữa ăn cho HS. Ngay sau sự cố trên, Phòng GD&ĐT TP Hạ Long đã họp khẩn với hiệu trưởng các trường mầm non và THCS để quán triệt, siết chặt các giải pháp bảo đảm VSATTP cho HS.
Hiện trên toàn tỉnh Quảng Ninh có 349 trường có bếp ăn bán trú và tổ chức ăn bán trú cho HS. Trong đó, 23 trường sử dụng suất ăn từ các cơ sở cung cấp dịch vụ. Với số lượng trường học, HS ăn bán trú đông đảo, công tác bảo đảm VSATTP luôn là vấn đề được Sở GD&ĐT Quảng Ninh quan tâm sâu sát. Nhiều phụ huynh có con ăn bán trú cho hay, chỉ biết trông cậy vào nhà trường trong việc bảo đảm bữa ăn cho các cháu. Mong muốn các con có bữa ăn không chỉ ngon miệng mà còn phải sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh là yêu cầu của phụ huynh và trách nhiệm của nhà trường.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có trường tự nấu cho học sinh, có trường thuê công ty bên ngoài cung ứng xuất ăn. Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã ký hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú cho HS với Công ty cổ phần Thực phẩm Megatech. Cho dù tự nấu hay thuê cung ứng xuất ăn thì VSATTP phụ thuộc rất nhiều vào người thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: “Sở luôn yêu cầu các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm VSATTP trong các bếp ăn bán trú cho học sinh. Từ việc cung cấp hoặc phối hợp cung cấp thực phẩm/suất ăn, nước uống cho học sinh phải được kiểm soát chặt chẽ. Các Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố phải tăng cường chỉ đạo các trường phối hợp chặt chẽ với cha mẹ HS trong công tác kiểm tra.
Chúng tôi đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt về vấn đề này; như phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai theo định kỳ những đợt kiểm tra bếp ăn bán trú nhằm đánh giá, kiểm nghiệm thực phẩm; tổ chức nhiều đợt tập huấn kiến thức về bảo đảm ATTP trong bếp ăn nhà trường cho giáo viên, đội ngũ cán bộ chủ chốt của ngành”.
Trách nhiệm của nhà trường
Trao đổi về trách nhiệm của các nhà trường, bà Vũ Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Quảng Ninh) cho biết: Toàn tỉnh hiện có 221 trường phổ thông có cấp tiểu học. Tổng số HS tiểu học là 125.160 em, với 4.273 lớp. Trong đó, số HS học 2 buổi/ngày là 96.042/125.160 em, đạt 76,74%. Việc tổ chức bán trú ở các trường tiểu học, nhất là các trường ở trung tâm thành phố là trách nhiệm của nhà trường vì nhu cầu phụ huynh gửi con em theo học là hết sức chính đáng và cần thiết.
Tuy còn có những hạn chế về cơ sở vật chất và thiếu giáo viên phụ trách nhưng đến nay hầu hết các trường đều thực hiện tốt việc này. Theo bà Hà, tổ chức bán trú cho tất cả HS tiểu học không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân. Chính vì thế, các nhà trường cần đặc biệt quan tâm đến việc này và cần đề cao tinh thần trách nhiệm.
Ở TP Hạ Long, Trường Tiểu học Bãi Cháy là điểm sáng của việc thực hiện quy trình VSATTP cho học sinh. Bà Nguyễn Thị Hương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học 2019 - 2020, trường tiếp tục hợp đồng với Công ty An Phú 2 cung cấp suất ăn cho học sinh. Bếp ăn bảo đảm đủ tiêu chuẩn, được đầu tư các thiết bị hiện đại bảo đảm sạch sẽ an toàn cho HS như máy rửa khay bát, máy sấy bát, máy hấp thức ăn, máy thái rau củ, máy xay thịt, cá.
Các món ăn của HS đều bảo đảm có nguồn gốc thực phẩm rõ ràng tươi sống được chế biến từ sáng sớm, tuyệt đối không chế biến từ hôm trước, không cấp đông lạnh. Đó là yêu cầu trường đặt ra với nhà cung cấp. Ban đại diện CMHS cùng thẩm định chọn đơn vị cung cấp suất ăn, lên thực đơn bảo đảm dinh dưỡng và khẩu phần ăn cho các em.