Làm công việc yêu thích để được... tự do Kỳ 2: Điều tốt đẹp đọng lại

GD&TĐ - Trong một chuyến đi không định trước chi tiết lịch trình, chúng tôi vô tình gặp những bạn trẻ khá “đặc biệt”. Có thể nói họ không đại diện cho cả thế hệ thanh niên Việt Nam hiện nay, song ở họ, cách lựa chọn công việc, cách làm việc, phong cách sống và nét trong sáng, khiến không chỉ các bậc phụ huynh phải suy ngẫm- những người vốn luôn mong muốn con thi đỗ và tốt nghiệp ĐH, CĐ bằng mọi giá, rồi ra trường cố gắng xin một chỗ làm “ổn định”, với một “chân” biên chế, với đầy những “hứa hẹn” về tương lai…

Làm công việc yêu thích để được... tự do Kỳ 2: Điều tốt đẹp đọng lại

Đơn giản là được làm việc mình thích và được trải nghiệm

Dẫn chúng tôi len lỏi trên lối đi chính nhỏ hẹp, lép nhép nước đọng và mùi đặc trưng nghề đi biển của xóm chài Bãi Xếp (Quy Nhơn) để ra tới bờ biển xinh đẹp- nơi mà năm ngoái trang Business Insider liệt kê là một trong 16 địa điểm ở châu Á chưa được nhiều người biết đến và là hòn ngọc du lịch trong tương lai- Bảo (quản lý đặt phòng của một homestay nổi tiếng ở đây) không mang trang phục lịch thiệp như vẫn thường thấy ở nhân viên của những resort, khách sạn sang trọng.

Cậu mặc quần sooc, mình trần rám nắng như thể một thanh niên làng chài thực thụ, hay một du khách phóng khoáng trên chặng đường đi phượt ghé qua... Bảo hào hứng kể: “Làm việc ở homestay cũng không phải không áp lực. Lắm hôm nhân viên tụi em vừa chợp mắt thì lập tức phải bật dậy vì có nhóm du khách xuất hiện lúc 1h, 2h sáng đòi “check in” (nhận phòng) lưu trú đã book (đặt) trước qua online… Hay có khi mới tờ mờ sáng khách gọi “check out” (trả phòng)…

Giờ làm việc của tụi em đúng là “full time” (toàn thời gian) chứ không có chuyện 8 tiếng như làm công sở, tới giờ làm thì đến, hết giờ làm thì về. Nhưng đặc thù công việc có lúc rảnh, có lúc bận túi bụi thì thanh niên như bọn em vẫn thích nghi tốt”.

Những đứa trẻ làng chài nơi đây chẳng lạ lẫm gì sự xuất hiện của người lạ - du khách như chúng tôi. “Chúng thân thiện, vui vẻ với cả khách Tây và khách ta” - Bảo nhận xét. “Các homestay kinh doanh tốt, đông khách như thế này, hoạt động ngay trong làng chài, vậy có giúp được gì người dân nơi đây không?- Tôi hỏi.

Bảo lập tức kể: “Tụi em có lớp dạy tiếng Anh “free” (miễn phí- PV) cho trẻ em làng chài vào sáng thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Bất cứ đứa trẻ nào thích học tiếng Anh có thể đến lớp học này và “free” hoàn toàn, không đứa trẻ nào phải đóng tiền học. Thứ 7 là lớp tiếng Anh cho trẻ nhỏ khoảng 6-7 tuổi, còn chủ nhật là lớp cho trẻ lớn tuổi hơn chút...”.

Steve- Thầy giáo chính của lớp tiếng Anh đang dạy miễn phí cho trẻ em ở làng chài ven biển này là “sếp” của Bảo, ông chủ homestay người Anh (cũng là một trong những người “khai phá” dịch vụ lưu trú du lịch cho khách nước ngoài tại nơi hoang sơ, xinh đẹp này.

Trong mắt du khách nước ngoài, cũng từ những người như Steve, với sự quảng bá bằng nhiều cách mà Bãi Xếp trở thành bãi biển được trang Business Insider ví như “một trong những hòn ngọc mới của châu Á”).

Bảo cho biết mỗi sáng cuối tuần khi lớp học tiếng Anh được “sếp” Steve của cậu “đứng lớp” thì cậu cũng tham gia như một trợ giảng. Khả năng ngoại ngữ không chỉ được sử dụng triệt để trong công việc mà còn làm được một việc nhỏ hữu ích cho đám trẻ làng chài hồn nhiên.

“Bọn trẻ ở đây thích học tiếng Anh lắm!”- Bảo nhận xét- “Bọn nhỏ làng chài này không nghĩ tới chuyện học tiếng Anh để bán hàng rong cho khách Tây, để kiếm tiền, như ở một số khu du lịch khác. Ở đây người nước ngoài ra vô liên tục, bọn trẻ thích nói chuyện bằng tiếng Anh với du khách, chúng nói tiếng Anh tốt lắm.

Những đứa trẻ trong lớp tiếng Anh free do homestay tổ chức còn nhỏ tuổi nên chúng cũng không nghĩ gì tới chuyện học tiếng Anh cho tương lai. Chúng chỉ thấy thích thì học, muốn nói chuyện, giao lưu được với du khách người nước ngoài thì học. Cũng đâu có tốn tiền của ba má nên chúng thoải mái học”.

Người dân làng chài Bãi Xếp không lạ lẫm với cảnh những ông Tây mặc quần đùi, những nữ du khách mặc đồ bơi nhỏ xíu bơi lội tung tăng cạnh họ, hay nằm dài phơi nắng trên bãi cát. Những người dân xóm chài thân thiện không có thói quen soi mói người lạ, họ dường như coi sự xuất hiện của các du khách mọi màu da là chuyện bình thường mỗi ngày. Điều đó cũng thuận lợi cho công việc của những nhân viên làm dịch vụ lưu trú du lịch như Bảo.

Dân du lịch cả trong và ngoài nước bây giờ đều thích khám phá những vùng biển mới, để đến thưởng thức cảnh đẹp, tìm hiểu những điều mới mẻ, những món ăn lạ ở địa phương, và nhất là chụp ảnh “check- in” đăng lên mạng xã hội để khoe với bạn bè... Đó là cơ hội để các dịch vụ du lịch phát triển, cũng là cơ hội việc làm cho không ít thanh niên.

Có vài điều lý thú mà Bảo nhận xét về sự khác biệt cậu nhận ra giữa du khách Việt Nam và du khách nước ngoài khi tới lưu trú ở homestay nổi tiếng cậu đang làm việc: “Du khách nước ngoài họ thường tìm hiểu rất kỹ về điểm đến, nơi họ sẽ khám phá, lưu trú trong thời gian đi du lịch.

Những thông tin chính xác được tìm hiểu thật kỹ trước mỗi chuyến đi khiến họ cảm thấy tự tin, thoải mái, kể cả có đi nửa vòng trái đất để đến Quy Nhơn của Việt Nam chẳng hạn. Điều đó hơi khác với du khách Việt, du khách Việt thường cho rằng đi du lịch là phải thoải mái, ở tiện nghi, ăn ngon…

Có thể nhiều du khách nước ngoài họ không quá quan trọng đến tiện nghi, có thể họ sẵn sàng thử những món ăn địa phương lạ với họ mà không biết chúng có ngon hay không. Du khách Việt lại thích sự đầy đủ tiện nghi trong lưu trú như thể ở nhà, trong ăn uống cũng yêu cầu cao hơn du khách nước ngoài”. Những khác biệt từ nhu cầu, mong muốn của các du khách khiến các thanh niên tiếp xúc và phục vụ hàng ngày trong lĩnh vực du lịch như Bảo, Quý... hiểu biết cách đáp ứng khách tốt hơn.

Một sự lựa chọn nghề nghiệp thú vị, không định trước

Cũng giống như chuyến đi này của chúng tôi, không định trước sẽ lưu trú tại một homestay ở Quy Nhơn, nhưng chỉ với một cú “click” quyết định trên website đặt phòng nổi tiếng của nước ngoài, chúng tôi đã có mặt với một chỗ ở “vào giờ chót” (như thông báo của website đông khách này), và chúng tôi gặp những thanh niên như Bảo, Quý, cũng thấy rằng giữa chúng tôi có điểm gì đó giống nhau, họ là những người không định trước khi ngồi ở giảng đường ĐH là sau này sẽ làm công việc ở đây, phục vụ du khách trong và ngoài nước tại homestay do người nước ngoài quản lý.

Chắc chắn, họ đã không hình dung và định trước công việc hiện tại khi chuẩn bị thi ĐH những năm trước đây, và xa hơn là khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Có lẽ, vào thời điểm đó, cũng giống như định hướng của gia đình, họ nghĩ rồi một ngày (sau khi tốt nghiệp CĐ, ĐH) sẽ trở thành nhân viên công ty nào đó, hay được làm công chức có biên chế hẳn hoi…

Mặc dù mới tốt nghiệp ĐH chỉ vài năm, thậm chí hè này mới được tròn năm, song đã kinh qua một số công việc khác nhau từ thời sinh viên, Bảo, Quý và không ít thanh niên cũng đang chọn lĩnh vực du lịch để kiếm sống và thể hiện năng lực của mình cho rằng có sự khác biệt rất rõ ở những sếp (ông chủ) người Việt và người nước ngoài, điều này càng thấy rõ trong suy nghĩ của thanh niên như Quý (người từng vào được biên chế của một cơ quan nhà nước).

Bỏ công việc được ba mẹ cho là “nghiêm túc” và đáng mơ ước đối với nhiều bạn trẻ đồng trang lứa, không như phần lớn bạn khác làm trong lĩnh vực du lịch khách sạn thường thích đổ vào xin làm việc cho những khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4- 5 sao sang chảnh, có những thanh niên như chúng tôi đã gặp lựa chọn làm việc ở homestay bình dân, mà mức thu nhập hàng tháng của họ đều được miêu tả là “chấp nhận được”, “khá ổn”, “phù hợp với công sức lao động”...

“Hơn hết, ở những chỗ này, vừa làm việc lại vừa được... chơi”- Quý mô tả- “Có những mùa cao điểm, khách “full” (đông kín phòng), nhưng tụi em vẫn có thời gian đi bơi, tắm biển, thậm chí là thay nhau đi chơi trong thành phố buổi tối. Thêm nữa, sếp người nước ngoài có cách quản lý khiến tụi em học hỏi được rất nhiều.

Sếp ở đây là người Anh, mạnh dạn gây dựng homestay ở một nơi trước đây rất ít du khách biết tới, sếp có phong thái làm việc nhanh nhạy và cực kỳ chăm chỉ. Nếu như ở một khách sạn, khu nghỉ dưỡng nào đó sếp là người nước ngoài, sẽ thấy họ chính là người làm việc chăm chỉ nhất, có khi họ làm việc nhiều hơn bất cứ nhân viên nào của họ. Đó là điều mà tụi em muốn học hỏi và muốn làm việc cho họ”.

Còn Bảo thì phân tích một cách sáng suốt rằng: “Sếp nước ngoài khác với sếp Việt nơi em từng làm việc trước đây, ở chỗ: Nếu sếp người nước ngoài đặt ra mục tiêu cần đạt được trong công việc thì sếp sẽ hướng nhân viên tới mục tiêu đó, chỉ bảo cho nhân viên làm thế nào để đạt được mục tiêu đó, họ trực tiếp tham gia “training” (đào tạo) nhân viên của mình, thay vì chỉ ra mệnh lệnh như không ít sếp người Việt.

Điều tụi em ấn tượng ngay từ khi mới đặt chân đến làm việc tại đây là người nào làm việc nhiều nhất chính là sếp cao nhất, ông chủ của tụi em. Dù là ông chủ nhưng họ không tỏ ra là ông chủ với nhân viên, họ thoải mái, gần gũi và hòa đồng trong mọi ứng xử, họ chỉ quan tâm đến chất lượng công việc, chứ không xét nét, hay để mắt quá kỹ đến nhân viên”.

Cơ hội còn nhiều…

So với những vùng ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang... thì dịch vụ du lịch của vùng ven biển ở Quy Nhơn còn thưa thớt, đơn điệu. Lưu trú hay các dịch vụ du lịch khác còn chưa phát triển mạnh, cả thành phố ven biển mới chỉ có một vài khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort) 4 - 5 sao.

Tuy nhiên, không ít thanh niên người Quy Nhơn (Bình Định) và thanh niên ở một số tỉnh lân cận, dù học từ nhiều ngành khác nhau, song lại bén duyên với nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến du lịch, như những công việc mà Bảo, Quý… đang làm hiện nay.

Hỏi tại sao những thanh niên hội tụ nhiều yếu tố như: Có trình độ, tiếng Anh tốt, ngoại hình ổn, chăm chỉ và năng động lại lựa chọn làm việc ở một khu du lịch nhỏ bé như Bãi Xếp, thay vì có thể nộp đơn xin vào những khách sạn 4 sao ngay trong thành phố, hay khu nghỉ dưỡng 5 sao duy nhất hiện nay ở Quy Nhơn?

Chia sẻ của Quý và Bảo giống nhau, khiến chúng tôi tin rằng, với vẻ rạng ngời của Hoa (cô gái xinh đẹp “đa - di - năng” vừa là nhân viên của homestay vừa làm PG cho “event” (sự kiện) trong thành phố (người lớn lên ở chính làng chài Bãi Xếp), hay Linh cô gái nhanh nhẹn, khôn khéo (đến từ vùng biển Đà Nẵng), Quý - chàng trai thật thà, chất phác, và Bảo - người quản lý trẻ tuổi, điển trai, năng động... tất cả họ đều đang hạnh phúc với công việc của mình. Công việc mà như Bảo nói là “nó không trói chân trói tay” những thanh niên thích làm việc thoải mái như cậu, hoặc như Quý tâm sự thì “nó mang lại cảm giác được tự do, chỉ thế thôi!”.

“Tiềm năng du lịch ở Quy Nhơn còn rất nhiều”- Bảo nhận xét - “Em chưa biết sau này có thay đổi chỗ làm việc không, nếu có thì phải vài năm nữa có thể em cũng sẽ thử sức ở những công việc mới khó hơn. Nhưng em thích công việc trong lĩnh vực du lịch. Mặc dù không học ngành du lịch, song sếp của em cũng không đòi hỏi nhân viên tốt nghiệp ngành du lịch, chỉ cần làm được việc là OK”.

Những làng chài ven nhiều vùng biển đang không ngừng khoác lên mình những sắc màu mới, bởi homestay (dịch vụ cho thuê trọ kiểu nhà dân địa phương), motel (nhà nghỉ), hotel (khách sạn), hay resort (khu nghỉ dưỡng)... mọc lên ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu khám phá, thưởng thức vẻ đẹp của những bãi biển còn hoang sơ hay rực rỡ của Việt Nam. Đó cũng là cơ hội thú vị cho những bạn trẻ như Quý, Hoa, Linh, Bảo... được trải nghiệm khoảng thời gian đẹp trong đời (khi mới tốt nghiệp ĐH, CĐ).

Họ không mất tiền chạy chọt, mua một công việc bàn giấy nào đó, mà cũng chẳng nhiều khó khăn để có được một chỗ làm, với thù lao khiến họ hài lòng, hơn hết họ cảm giác được “tự do” trong công việc, được sống và làm việc đúng sở thích, sở trường và năng lực của mình. Nói như Bảo và Quý thì: “Dù chưa đứa nào có người yêu” ở cái tuổi hai mươi mấy tươi đẹp, song công việc không nhàm chán như làm ở cơ quan nhà nước, mà luôn tươi mới, không hại não, mà lại được tự do, thoải mái tâm trí...”.

Mỗi sáng dậy sớm thay vì tất bật đóng bộ quần Âu, áo sơ mi, phóng xe máy đến công sở, thì Bảo, Quý và các bạn trẻ làm việc toàn thời gian ở những khu du lịch như thế có thể dậy sớm, chạy ra bãi biển đón bình minh, tập thể dục, bơi lội... rồi bước vào một ngày làm việc mới, rất có thể lại được gặp những gương mặt mới, những du khách mới, tới từ những nền văn hóa khác nhau, mang những tính cách, phong thái, hiểu biết và cả những cái nhìn khác nhau, tươi mới, đến với những thanh niên yêu lao động, yêu tự do và yêu biển, như họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ