Làm công việc yêu thích để được... tự do: Kỳ 1: Những thanh niên hạnh phúc với công việc

GD&TĐ - Trong một chuyến đi không định trước chi tiết lịch trình, chúng tôi vô tình gặp những bạn trẻ khá “đặc biệt”. 

Homestay được du khách trong và ngoài nước yêu thích.
Homestay được du khách trong và ngoài nước yêu thích.

Có thể nói họ không đại diện cho cả thế hệ thanh niên Việt Nam hiện nay, song chắc chắn, ở họ, cách lựa chọn công việc, cách làm việc, cách sống “sạch sẽ” và trong sáng, khiến không chỉ các bậc phụ huynh vốn luôn mong muốn con thi đỗ và tốt nghiệp ĐH, CĐ, rồi bằng mọi giá (có thể) xin được một chỗ làm “ổn định”, với một “chân” biên chế đầy “hứa hẹn” về tương lai sự nghiệp, có lẽ sau khi biết những tâm tư của các bạn trẻ này, các bậc làm cha làm mẹ cũng cần suy ngẫm...

Vừa có việc làm, vừa được “chơi”

Chúng tôi nhận phòng nghỉ ở homestay nằm ngay ven biển ở làng chài Bãi Xếp trong chuyến đi khám phá vùng biển Quy Nhơn đang nổi lên như một “hiện tượng” về sự lựa chọn du lịch biển. Người giúp chúng tôi giải quyết những bỡ ngỡ (mà du khách Tây thường ít gặp phải khi “book” (đặt) phòng của homestay) là Bảo, một thanh niên khoảng hai mươi mấy tuổi, có gương mặt nam tính, nụ cười hiền, phong cách cởi mở.

Bảo (quản lý đặt phòng của homestay có tên gọi khá hay “Life’s Beach” (cuộc sống ở một bãi biển) người Quy Nhơn (Bình Định) từng làm việc “part- time” (bán thời gian) tại một phòng chiếu phim từ khi còn là sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ của Trường ĐH Quy Nhơn.

Khi còn là sinh viên, thỉnh thoảng Bảo cùng đám bạn thân đi chơi, tắm biển ở khu làng chài Bãi Xếp, ngồi chơi trong quán bar nhỏ của homestay Life’s Beach, trò chuyện tâm đầu ý hợp với ông chủ người Anh nhiều lần. Rồi khi Bảo vừa tốt nghiệp ĐH (năm ngoái) đã được ông chủ này mời đến Life’s Beach làm việc.

Thích thú cảnh đẹp của bãi biển hoang sơ này, lại rất “ưa” ông chủ homestay người nước ngoài năng động, phong cách làm việc chuyên nghiệp, Bảo nghĩ rằng đây sẽ là cơ hội trau dồi trình độ tiếng Anh cũng như kinh nghiệm sống. Thêm nữa, làm việc ở đây không quá áp lực, thu nhập ổn định và “quan trọng là làm mà như chơi”- Bảo tâm sự- “Em nhận lời rất nhanh vì nghĩ điều này thật tuyệt vời, vừa có một việc làm phù hợp với chuyên ngành đã học, vừa có thu nhập tương đối ưng ý, hơn hết là dù làm việc bận rộn thế nào thì em vẫn có thể tắm biển và đi loăng quăng mỗi ngày, mà không bị cuồng chân vì phải ngồi bàn giấy, nếu xin việc ở một công sở Nhà nước, hay một công ty nào đó”.

Homestay Bảo làm việc đã nổi tiếng trên nhiều trang web đặt phòng quốc tế- có chủ là hai người Anh quốc- nên rất đông khách nước ngoài. Cậu tha hồ luyện tiếng Anh, tiếng Anh chuẩn bản địa, lại còn được giao lưu với nhiều màu sắc văn hóa của các quốc gia khác nhau trong khi làm việc, tiếp xúc với du khách.

Không chỉ lo quản lý việc đặt phòng khi cho ông chủ người nước ngoài, Bảo còn kiêm luôn cả việc trả lời email của khách thay cho ông chủ, rồi cậu bố trí tour khi khách có nhu cầu “book” (đặt) taxi, hay chuyến thăm quan đảo, thăm quan thành phố... Lắm khi cậu làm cả việc pha chế, những công việc lặt vặt như bê vác đồ giúp khách (vì homestay chủ yếu nhiều khách nước ngoài đi phượt nên chẳng bố trí nhân viên vận chuyển đồ cho khách như những khách sạn, resort sang chảnh).

Cậu thanh niên dáng dong dỏng, thân hình rắn rỏi như một dân miền biển chính hiệu xách thoăn thoát cái vali bằng nhôm nguyên khối hiệu Remowa cho đám người Việt chúng tôi- vốn chỉ quen có người khiêng giúp đồ nặng mỗi khi đi du lịch lưu trú ở khách sạn hay khu nghỉ. Bảo vui vẻ cho biết, trước đây những homestay như Life’s Beach không có khách Việt lưu trú, chủ yếu là khách trẻ tuổi người nước ngoài, khách Tây Âu rất nhiều do ông chủ là người Âu, sau này qua các trang mạng xã hội, rồi khách nọ đến giới thiệu khách kia, nên cuối cùng nhiều khách châu Á cũng đến.

Khách đi phượt có khi chỉ dừng chân 1 đêm tại homestay trong chuyến hành trình dài ngày khám phá nhiều vùng đất của Việt Nam, Đông Nam Á, thậm chí nhiều nước khách nhau trong châu Á. Thời gian gần đây Life’s Beach có thêm các bạn trẻ người Việt tìm đến, thậm chí có cả những gia đình nhỏ tới nghỉ dưỡng ở bãi biển hoang sơ, để được gần và giao lưu với cuộc sống của những ngư dân.

Từ bỏ công việc “đáng mơ ước” để được... “tự do”

Buổi chiều mùa hè thời tiết đẹp, ánh hoàng hôn vương khắp mặt biển, sóng sánh màu rực rỡ như rượu vang đỏ.

Gió thổi hơi mát từ bờ biển vào khuôn viên homestay ven bãi Xếp. Dãy bàn gỗ được bày ra tiệc BBQ (một kiểu tiệc nướng được dân du lịch ưa thích). Một thanh niên da ngăm đen, dáng người đậm, thoăn thoắt bưng bê những đĩa hải sản, thịt bò, rau củ... đã được tẩm ướp kỹ lưỡng, vẻ mặt hiền lành ra bàn ăn. Ban đầu chúng tôi tưởng cậu là nhân viên phục vụ, vì trong ngày lúc thì cậu ta đứng sau quầy bar pha chế cocktail (một loại đồ uống giải khát pha trộn tài tình giữa nước ép trái cây tươi và các loại rượu nhẹ, được khách gọi nhiều trong khách sạn, khu nghỉ dưỡng), khi lại thấy cậu ta đưa khách đi nhận phòng lưu trú (giống như Bảo đã giúp chúng tôi), có lúc lại thấy cậu “check” (kiểm tra) thông tin khách “check in”, “check out” (nhận phòng, trả phòng)... Và khi khách đặt ăn tối thì cậu có thể vào “vai” của một nhân viên phục vụ kiêm “tiếp xúc khách hàng” cùng với “sếp” của cậu- Steve.

Đó là Quý chỉ hơn Bảo chút tuổi. Công việc chính của Quý là nhân viên chăm sóc khách hàng của homestay, nhưng như chúng tôi đã kể, cậu giống nhiều nhân viên khác trong homestay này, họ không chỉ làm duy nhất một công việc.

Một nhóm du khách châu Âu và Việt Nam cùng hào hứng ngồi vào bàn ăn. Quý cũng ngồi vào bàn như một vị khách với phần ăn BBQ của mình, chúng tôi ngồi đối diện với Quý, còn sếp của cậu không ngồi cố định mà chạy đi chạy lại, lấy chai bia cho khách này, thêm ít đá cho đồ uống của khách kia, lăng xăng như thể một nhân viên. Quý thì vừa nướng món thịt bò của mình, vừa trò chuyện với các vị khách. Nam du khách người Anh là sinh viên tranh thủ 1 tháng nghỉ hè đi du lịch nhiều nước châu Á hỏi Quý một số điều về những điểm đến ở Quy Nhơn, vì hôm nay nhóm của cậu mới đến đây, dù đã tham khảo nhiều thông tin từ các du khách đã đi trước, song vẫn muốn nghe thêm ý kiến của người hàng ngày ở đây như Quý. Lời khuyên dành nửa ngày ra đảo gần đó lặn ngắm san hô của Quý khiến du khách trẻ người Anh thích thú quay sang bàn luận với nhóm bạn để thực hiện ngay vào ngày hôm sau.

Trong buổi BBQ, không chỉ ăn uống như du khách, Quý sẵn sàng bật dậy đáp ứng các nhu cầu cần ngay và luôn của khách. Nữ du khách người Canada đi khám phá châu Á một mình được Quý trò chuyện nhiều, cậu chia sẻ bất cứ một câu hỏi nào của nữ du khách, kể cả những băn khoăn về các điểm đến mà cô sắp tới ở Việt Nam như Đà Lạt, Sài Gòn... “Bạn cần chú ý ba lô, hành trang, tiền, tài sản và giấy tớ tuỳ thân khi dạo phố ở Sài Gòn”- Quý nhắc nhở nữ du khách, dù cậu nói rằng cậu biết hầu hết du khách nước ngoài đều rất chú trọng chuyện tìm hiểu trước phong tục tập quán, thông tin, những khuyến cáo về nơi sẽ đặt chân tới.

Khi thưởng thức món súp bí ngô, nữ du khách người Canada thốt lên: “Lạy chúa, tôi chưa từng ăn món súp nào ngon như thế! Tôi muốn nói lời cảm ơn tới đầu bếp”. Quý liền chia sẻ với du khách: “Đầu bếp chính là những người phụ nữ ở làng chài này được ông chủ của tôi đào tạo, nên họ có thể nấu rất ngon nhiều món Á, Âu khác nhau. Bạn cũng là một trong số rất nhiều du khách khen ngợi món súp bí ngô do họ nấu”.

Chúng tôi hỏi thăm Quý khi giao lưu tại bữa ăn: “Cậu hình như không phải người địa phương ở đây?”. “Dạ, em người Đắk Lắk! Em mới tới đây làm một thời gian… Nhà em cách đây hơn 200 km, cứ khoảng 2, 3 tháng em lại về quê thăm ba má…”

Chưa lập gia đình, thậm chí chưa có người yêu, giống hầu hết thanh niên làm việc ở homestay nổi tiếng tại khu Bãi Xếp, Quý cho biết gần như toàn bộ thời gian trong ngày cậu loanh quanh làm việc mà không thấy chán. “Làm việc mà như đi nghỉ mát dài ngày đấy ạ!”- Quý dí dủm tâm sự. Câu chuyện ngày càng thân mật, vì dù sao chúng tôi cùng là người Việt. Quý bật mí trước đây cậu từng có 2 năm làm thanh tra viên ở một cơ quan trực thuộc cấp tỉnh. Cậu tốt nghiệp chuyên ngành luật, có ba là luật sư, học hành cũng tốt, nên thi đỗ biên chế không mấy khó khăn.

“Mọi người cho là may mắn, có thể hai năm trước công việc thanh tra viên biên chế ở cơ quan nhà nước là mơ ước của nhiều bạn khác. Nhưng không hiểu sao em thấy gò bó, không phù hợp với mình”- Quý tâm sự- “Em chủ động xin nghỉ việc, bỏ biên chế, trước sự ngỡ ngàng và phản đối của gia đình. Em vô đây làm việc, em cảm thấy mình rất trẻ trung, khỏe khắn và vui vẻ với công việc hiện tại”. Quý cho biết cậu tự học tiếng Anh và khi tới làm việc ở đây, trình độ tiếng Anh của cậu tốt hơn rất nhiều lúc mới tốt nghiệp ĐH.

Quý đang dở câu chuyện và bữa ăn tối giao lưu với khách du lịch, thì Bảo mặc chỉnh tề áo sơ mi quần Âu là ly thẳng tắp, khác với cách mặc phóng khoáng bình thường khi làm việc, cậu chạy tới dặn dò bạn đồng nghiệp, chào khách mới quen và khoe tối nay cậu và vài bạn trẻ làm cùng homestay sẽ chạy xe máy 11 km về thành phố để xem phim “bom tấn” ở rạp. “Bọn em chia nhau thời gian trực thay, để có những đứa làm thì có những đứa được đi chơi như thế. Thanh niên mà, đứa nào cũng thích chơi. Nhưng bọn em chưa đứa nào có người yêu đâu ạ!”- Quý cười tủm tỉm nói về các nam thanh nữ tú đang làm việc cho homestay của người nước ngoài.

Sáng hôm sau, khi chúng tôi chuẩn bị hành lý rời khỏi Bãi Xếp. Lúc “check out” (trả phòng) ở lễ tân, lại gặp Quý đang hí húi ngồi vẽ… một bức tranh các con cá màu xanh dương vẽ bằng màu nước trên tấm gỗ, bức tranh để bày trí cho homestay. “Trời, cậu định làm hết mọi việc hay sao Quý?- Một du khách thốt lên và hỏi đùa- “Cử nhân Luật giỏi tiếng Anh mà vẽ đẹp, khéo tay đến vậy sao”. Và tất nhiên, chúng tôi đã dùng điện thoại chụp lại một kiểu ảnh cử nhân Luật đang cởi trần, ngồi say sưa vẽ… “Em thích vẽ thì vẽ thôi. Cũng là một cách để giải trí, chứ không đơn thuần là công việc, không ai bắt em phải làm…”- Quý ngẩng lên mìm cười hồn hậu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ