Không để quy tắc nằm trên giấy

GD&TĐ - Văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia dân tộc, lĩnh vực đặc biệt quan trọng.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM trong lễ khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh minh họa - Mạnh Tùng
Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM trong lễ khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh minh họa - Mạnh Tùng

Qua đó tạo môi trường nhằm hiện thực hóa “học để làm người” của giáo dục.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng văn hóa học đường, tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên, năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”. Không lâu sau đó, ngày 12/4/2019 Bộ GD&ĐT cũng ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Thực hiện đề án và thông tư, cho đến nay đa số cơ sở giáo dục trên cả nước đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Song song với việc công khai bộ quy tắc, tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện, các trường còn đa dạng hình thức tuyên truyền thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, cuộc thi, trải nghiệm, câu lạc bộ, tọa đàm, thực hiện tư vấn tâm lý…

Nhiều trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học môn học khoa học xã hội và nhân văn như: Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục chính trị, Ngữ văn, Lịch sử… theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Nhờ triển khai bộ quy tắc ứng xử, các thành viên trong nhà trường đã điều chỉnh cách ứng xử theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa địa phương; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục, từ đó xây dựng văn hóa học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.

Thầy Nguyễn Viết Lâm - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, xã Tân Sơn (TP Pleiku, Gia Lai) cho biết, 3 năm triển khai nghiêm túc quy tắc ứng xử văn hóa, 100% học sinh của trường đạt hạnh kiểm từ trung bình trở lên; trong đó, hạnh kiểm tốt 84%, hạnh kiểm khá 14,9%. Trường nhiều năm liền không có học sinh vi phạm an toàn giao thông, an ninh học đường và các vi phạm khác đến mức phải xử lý kỷ luật.

Tuy vậy, bên cạnh những thành quả đạt được, việc xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường thời gian qua còn nhiều tồn tại. Một số đơn vị chưa xây dựng kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2019 - 2025” và ban hành bộ quy tắc ứng xử văn hóa.

Có đơn vị xây dựng kế hoạch nhưng lại không căn cứ vào văn bản, hướng dẫn của cấp trên. Có nơi làm mang tính hình thức, đối phó, sao chép. Nhiều quy định trong một số bộ quy tắc ứng xử chưa dễ hiểu, thực hiện; không phù hợp với lứa tuổi, cấp học và đặc trưng văn hóa vùng miền.

Có nơi trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội dung bộ quy tắc ứng xử không tổ chức thảo luận dân chủ, khách quan, công khai. Đáng chú ý còn không ít đơn vị xây dựng quy tắc ứng xử nhưng thiếu quan tâm triển khai, hệ quả là nhiều quy định gần như nằm trên giấy.

Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Vì thế, song song với việc tiến tới 100% trường học phải xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa, cần có những giải pháp đủ mạnh để quy tắc không chỉ nằm trên giấy.

Muốn vậy, các cơ sở giáo dục phải dụng công, dụng tâm hơn nữa trong xây dựng văn hóa học đường với một quy trình khoa học, bài bản; đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “nếp sống văn hóa”, chú trọng công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội; nâng cao năng lực đội ngũ triển khai văn hóa học đường…

Đặc biệt, các cấp có thẩm quyền cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai Thông tư 06 tại cơ sở để cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ; bảo đảm nhà trường là tổ chức có hàm lượng văn hóa cao nhất, nơi hội tụ, kết tinh để lan tỏa những chuẩn mực văn hóa cho xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ