'Người trong cuộc' chia sẻ kinh nghiệm xây văn hóa học đường

GD&TĐ - Thực tế đòi hỏi người thầy cách ứng xử chuẩn mực để xây dựng văn hóa học đường...

Cô Ka Mai, giáo viên Trường PTDT Nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán, tỉnh Đồng Nai, giảng bài cho các em học sinh. Ảnh: NVCC
Cô Ka Mai, giáo viên Trường PTDT Nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán, tỉnh Đồng Nai, giảng bài cho các em học sinh. Ảnh: NVCC

Quá trình dạy học, giáo viên phải đối diện với nhiều áp lực. Điều đó càng đòi hỏi người thầy cách ứng xử chuẩn mực, văn hóa; đặt mình vào tình huống để tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp nhất.

Đặt mình vào chuyện của trò

Là giáo viên môn Ngữ văn tại Trường THCS Tiên Lữ (Tiên Lữ, Hưng Yên) cô giáo Bùi Thị Thuý Quỳnh nhận xét: Học sinh THCS đang bước vào lứa tuổi dậy thì nên các em có nhiều thay đổi cả về tâm lý lẫn thể chất. Với kinh nghiệm hơn 20 năm đi dạy, cô Quỳnh từng đối mặt với nhiều tình huống “dở khóc dở cười” khi đứng lớp.

Cô giáo Bùi Thị Thuý Quỳnh, giáo viên Trường THCS Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: NVCC

Cô giáo Bùi Thị Thuý Quỳnh, giáo viên Trường THCS Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: NVCC

Nhớ lại câu chuyện về một trong những học sinh để lại nhiều ấn tượng nhất, cô Quỳnh kể: Đó là nam sinh ở lớp đại trà, có học lực chưa tốt. Cứ đến tiết Văn của tôi, em lại gục mặt xuống bàn, không chú ý bài giảng. Hành động của em khiến tôi thấy buồn và lo lắng vì tiếp tục chểnh mảng học tập, em khó có thể đỗ vào cấp 3 công lập.

Hành động này lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng cô Quỳnh không chọn cách phê bình hay xử phạt nam sinh trước mặt cả lớp. Thay vào đó, cô tìm cách trò chuyện, động viên để khơi gợi trong học sinh tinh thần học tập tích cực.

Cuối giờ học, cô thường gọi nam sinh ra trò chuyện riêng, hỏi xem còn phần nào chưa hiểu, khó học hoặc về hoàn cảnh gia đình, trường lớp… Trong tiết dạy, thi thoảng cô mời nam sinh trên phát biểu và dành lời khen ngợi nếu em trả lời tốt, động viên khi chưa hiểu bài. Nhờ được cô giáo khích lệ, nam sinh dần tìm được cảm hứng học môn Ngữ văn, rồi bắt đầu chuyên tâm học hành. Sau này, em trúng tuyển một trường cấp 3 công lập theo nguyện vọng.

Qua câu chuyện, cô Quỳnh luôn ghi nhớ dành lời khen ngợi, động viên học trò từ những hành động nhỏ nhất để các em cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của thầy cô. Trước những hiện tượng phi văn hóa trong cách ứng xử của một số giáo viên xuất hiện trên Internet trong thời gian gần đây, cô Quỳnh bày tỏ đồng cảm với áp lực mà giáo viên phải trải qua. Tuy nhiên, cô Quỳnh không đồng tình với cách giáo dục bằng hình phạt thể chất như cắt tóc, đánh mắng hay mắng nhiếc, hạ nhục… học sinh.

Học sinh Trường THCS Xuân Quan, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: NTCC.

Học sinh Trường THCS Xuân Quan, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: NTCC.

Công tác trong nghề 5 năm, cô giáo Nguyễn Thị Thu Thảo, dạy tại một trường tiểu học thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ: Giáo viên chịu nhiều áp lực từ công việc chuyên môn, phụ huynh, xã hội. Khi áp lực tích tụ đến mức độ không thể kiềm chế được, thầy cô dễ bộc phát những ứng xử thiếu chuẩn mực.

Tuy nhiên, dù trong tình huống nào, giáo viên cũng không nên sử dụng hình phạt bạo lực gây tổn thương thể chất, tinh thần của học sinh bởi điều đó sẽ tạo cho các em tâm lý, hành động phản kháng và vấn đề kéo dài dai dẳng. Mặt khác, những thông tin về cách cư xử thiếu chuẩn mực của giáo viên khi phát tán trên Internet càng khiến xã hội có cái nhìn không tích cực về thầy cô và ngành Giáo dục. Học sinh vô hình trung sẽ sợ hoặc giảm hứng thú với nghề giáo.

Là giáo viên trẻ tuổi đời, tuổi nghề, cô Thảo luôn nhắc nhở bản thân phải giữ bình tĩnh trong mọi tình huống. Đồng thời, tự học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng xử lý các tình huống ngoài giáo án từ đồng nghiệp; không ngại chia sẻ khó khăn của bản thân với cán bộ quản lý nhà trường, tổ chuyên môn để cùng tìm phương án tháo gỡ.

Xây dựng trường học hạnh phúc

Là giáo viên Trường PTDT Nội trú liên huyện Tân Phú – Định Quán (Đồng Nai), cô Ka Mai vừa giảng dạy môn Địa lý vừa quản lý việc sinh hoạt của học sinh tại trường. Cô Ka Mai được nhiều thế hệ học sinh coi như người mẹ thứ hai bởi đã thay gia đình chăm lo cho các em từ việc học tập đến bữa ăn, giấc ngủ.

Không đồng tình với những hình phạt nặng nề, có tính bạo lực, cô cho rằng, người thầy phải đặt mình vào vị trí của học sinh để tìm phương án giải quyết phù hợp. Nhất là trong trường hợp học sinh rời xa vòng tay cha mẹ, học nội trú thì thầy cô chính là tấm gương để trò soi chiếu.

“Mỗi học sinh một tính cách, năng lực… nên tôi có cách trò chuyện, uốn nắn riêng với từng em. Em nào cá tính, tôi nói chuyện nhẹ nhàng, uyển chuyển. Em nào học giỏi thì liên tục khích lệ, khen ngợi để có động lực cố gắng. Những em nghịch ngợm, tôi tìm hiểu hoàn cảnh để trò chuyện chân thành và định hướng…”, cô Ka Mai cho hay.

Cô Nguyễn Thị Tố Uyên, Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên), nhìn nhận, hiện nay, giáo viên gặp nhiều áp lực trong công việc nên cán bộ quản lý cũng cần chia sẻ, cảm thông với đồng nghiệp; phối hợp cùng giáo viên tìm phương pháp giáo dục phù hợp hoàn cảnh.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Để làm được điều này, một trong những mục tiêu của nhà trường là xây dựng “Trường học hạnh phúc”, trong đó, ban giám hiệu khuyến khích giáo viên sử dụng biện pháp kỷ luật tích cực với học sinh. Công thức nhà trường hướng đến là “khen trước, chê sau”. Điều đó có nghĩa trong mọi tình huống, dù khó khăn đến đâu, người thầy cũng cố gắng tìm ra những điểm tích cực và xử lý tình huống theo phương án an toàn, lành mạnh.

Nếu “chê”, thầy cô sẽ lựa lúc riêng tư nói chuyện để học sinh không cảm thấy xấu hổ trước mặt bạn bè. Việc phạt học sinh nhất định không được làm tổn thương thể chất, tinh thần mà phải hướng đến giúp các em nhận ra sai lầm, từ đó có ý thức sửa chữa lỗi lầm.

TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), cho hay, phương châm giáo dục mà nhà trường và các thầy cô hướng đến là quan tâm đến học trò, không chạy theo thành tích và điểm số. Thay vì chú trọng đến thành tích học tập của học sinh, giáo viên cần khai phá những tiềm năng, năng lực, thế mạnh từng em.

Ngoài ra, giáo viên và nhà trường thường xuyên trao đổi, chia sẻ với phụ huynh để bố mẹ hiểu về phương pháp giáo dục tích cực, những thế mạnh và năng lực của con em mình. Từ đó, hai bên có thể cùng nhau phối hợp hiệu quả trong công tác giáo dục và nuôi dạy trẻ.

Đồng hành cùng quá trình trưởng thành của học sinh THCS, cô Ka Mai tâm niệm tám chữ “lắng nghe, đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu”. Tại Trường PTDT Nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán, học sinh đến từ nhiều dân tộc khác nhau, thường chơi theo nhóm nên dễ xảy ra bất hòa. Là “trọng tài”, cô phải phân xử sao cho tất cả học sinh nhận thức được vấn đề, không cảm thấy thiệt thòi hay chưa thỏa đáng. Vì vậy, muốn làm tốt công việc cô Ka Mai đã chủ động tự học ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc địa phương như Chơ Ro, Khmer, Mường... để trò chuyện và hiểu hơn về học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.