Học đường và không gian văn hóa mới

GD&TĐ - Trước khi có dịch Covid-19, môi trường trường học cơ bản giới hạn trong khuôn viên nhà trường - một không gian vật lí, rõ ràng, dễ quản lí và nắm bắt.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thế nhưng, mọi thứ bỗng chốc thay đổi. Học sinh khắp nơi trên thế giới vì dịch bệnh mà không thể đến trường. Tại Việt Nam, theo thống kê mới nhất vẫn còn 21 tỉnh, thành phố đang hoàn toàn dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Khi dạy học trực tuyến, trường học hình thành không gian tổ chức dạy học, không gian văn hóa mới, nơi thầy với trò, trò với trò không tương tác trực tiếp mà qua thế giới ảo với sự hỗ trợ của công nghệ.

Có lẽ không phải nói nhiều về giá trị mà công nghệ, dạy học trực tuyến mang lại cho ngành Giáo dục suốt thời gian qua; nhưng đồng thời cũng có những vấn đề mới phát sinh, trong đó có liên quan đến văn hóa học đường. Đã có những tình huống dở khóc, dở cười, cả bi, cả hài phát sinh khi dạy học online; và những tình huống này dễ dàng được ghi lại, lan truyền rộng rãi trên mạng tạo ra những dư luận tiêu cực.

Xây dựng văn hóa học đường luôn là vấn đề được quan tâm, thể hiện ở cả văn bản chỉ đạo của cấp quản lí và việc triển khai thực hiện tại các cơ sở giáo dục. Trước hết phải nói đến phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được ngành Giáo dục phát động từ năm 2008.

Sau đó, hàng loạt văn bản tạo hành lang pháp lí cho nội dung này tại các cơ sở giáo dục được ban hành. Điển hình như Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về “môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường”; Quyết định số 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”; Quyết định số 1501/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020”;

Chỉ thị số 31/CT-TTg về “tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên”; Quyết định số 1895/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”... Đến nay, hầu hết cơ sở giáo dục đều xây dựng phương án triển khai, thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học, tạo chuyển biến tích cực trong văn hóa học đường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, văn hóa dạy học trên không gian mạng đã trở thành một phần của văn hóa học đường. Văn hóa mạng với thầy và trò không chỉ là cách thức ứng xử trên không gian Internet, mà còn thể hiện ở việc biết khai thác, sử dụng mạng trên cơ sở có kiến thức, hiểu biết; tận dụng, khai thác tối đa yếu tố tích cực trên mạng để góp phần nâng cao tri thức, hoàn thiện bản thân; đồng thời biết phòng ngừa, tiết chế, đề kháng với những mặt trái, tiêu cực từ Internet.

Việc xây dựng văn hóa học đường trên không gian mạng do đó vô cùng cần thiết; nhất là khi dạy học trực tuyến kéo dài, cũng như xu thế số hóa của một số trường đại học, cao đẳng. Đây không đơn thuần là công việc của cơ sở giáo dục, hay ngành Giáo dục, mà cần giải pháp tổng thể, mang tính hệ thống với sự tham gia của nhiều ngành liên quan, trong đó có thông tin, truyền thông; văn hóa và quản lý văn hóa; lao động xã hội và trẻ em...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ