Xây dựng văn hóa học đường từ 'gieo hành động gặt thói quen'

GD&TĐ - “Khoanh tay- mỉm cười- cúi chào” là nét đẹp văn hoá giao tiếp đang được lan toả đến các thầy cô, các em học sinh, các nhà trường ở Hà Nội.

Văn hóa “khoanh tay cúi chào” tại Trường THCS Đô thị Việt Hưng
Văn hóa “khoanh tay cúi chào” tại Trường THCS Đô thị Việt Hưng

Từ nhiều năm nay, Trường THCS Đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) đã đưa văn hoá “khoanh tay cúi chào” vào thực hành trong chương trình giáo dục cho học sinh. Các thầy cô giáo cùng thực hành văn hóa này và đồng thời giúp các em học sinh học tập để khi ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào những câu chào hỏi cũng sẽ giúp ích rất nhiều trên những chặng đường mà các em sẽ đi.

Khi đến trường, các em luôn thực hiện hành động “khoanh tay cúi chào” các thầy cô giáo và các cô, các bác nhân viên. Không chỉ thực hành trong nhà trường, các em còn luôn thực hiện hành động đó như một thói quen tốt khi đi trên đường hay khi gặp gỡ cư dân nơi mình sinh sống.

Cô Nguyễn Thị Kim Thuý - Hiệu trưởng Trường THCS Đô thị Việt Hưng cho biết: Văn hóa “khoanh tay cúi chào” nhà trường được thực hiện bởi 100% cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh ở mọi lúc mọi nơi. Đây là nét văn hóa mang dấu ấn riêng của ngôi trường THCS Đô thị Việt Hưng.

Từ thành công của trường THCS Đô thị Việt Hưng, ngành GD-ĐT quận Long Biên đã triển khai nhân rộng việc thực hiện “Văn hóa cúi chào” đến tất cả các trường mầm non, tiểu học và THCS. “Khoanh tay- mỉm cười- cúi chào” là nét đẹp trong văn hoá giao tiếp đang được lan toả trong các em học sinh và các thầy cô giáo tại các trường học trên địa bàn quận Long Biên.

Văn hóa “khoanh tay cúi chào” tại Trường THCS Đô thị Việt Hưng

Cô Nguyễn Thị Bích Huyền- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Lâm (quận Long Biên) cho biết: Từ trước tới nay, nhà trường rất quan tâm tới văn hóa ứng xử của học sinh trong nhà trường. Mục tiêu của nhà trường hướng tới là đưa việc chào hỏi trở thành một thói quen trong học sinh. Khi triển khai, các thầy cô đã nỗ lực từ những ngày đầu tiên.

Chỉ sau một thời ngắn áp dụng, văn hóa ứng xử trường Tiểu học Ngọc Lâm đã có sự chuyển biến rõ rệt. Không khó để bắt gặp hành vi “ Khoanh tay – mỉm cười – cúi chào” trong và ngoài nhà trường. Điều quan trọng hơn là phía sau hành vi ấy là nụ cười, là niềm vui của cả các em học sinh và những thầy giáo, cô giáo, ông bà, cha mẹ... những người luôn đứng phía sau dõi theo sự phát triển của các em.

Cô Phan Thị Thanh Hòa, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A1, Trường Tiểu học Ái Mộ B chia sẻ: Ngay từ khi học sinh đến trường, chúng tôi đã hướng dẫn các em hình thành thói quen chào hỏi. Việc này sẽ theo tiến trình từng bước một. Bắt đầu đến cổng trường học sinh chào hỏi thầy cô, các bác nhân viên, bảo vệ. Chúng tôi cũng dạy các con cách chào, nói lời cảm ơn, xin lỗi với thầy cô, bạn bè ra sao.

Đặc biệt, giáo viên đều lồng ghép văn hoá chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi vào trong mỗi bài học để giáo dục học sinh từng hành động cụ thể. Ngoài ra, giáo viên cũng quan tâm tới học sinh ở nhiều góc độ, từ đó nhận thấy các em cần điều chỉnh, thực hiện thế nào để có nếp ứng xử, giao tiếp văn minh, thanh lịch.

Thực hiện văn hóa cúi chào trong giờ sinh hoạt dưới cờ

Thực hiện văn hóa cúi chào trong giờ sinh hoạt dưới cờ

Hưởng ứng phong trào, Trường THCS Gia Thụy (quận Long Biên) cũng đã xây dựng chuyên đề và phát động văn hoá chào hỏi trong toàn trường. Ngoài việc giáo dục dưới cờ, nhắc nhở trong các tiết sinh hoạt, nhà trường cũng lồng ghép việc này vào các môn học đạo đức, giáo dục công dân. Nhà trường cũng đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa chào hỏi trên loa phát thanh và các nền tảng mạng xã hội, website của trường.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Linh- hiệu trưởng Trường THCS Gia Thụy nhận định: Văn hóa chào hỏi mang những giá trị tốt đẹp và nhiều ý nghĩa trong cuộc sống cũng như tương lai sau này của các em. Học sinh khi thực hiện tốt văn hoá chào hỏi sẽ tạo dựng một thói quen tốt, một thái độ tốt trong cuộc sống và công việc. Khi đạo đức tốt thì ý thức học tập tốt, kết quả học tập trong năm cũng sẽ tốt.

Bùi Hoàng Phương Linh, học sinh lớp 8A4 Trường THCS Gia Thụy cho hay, giờ đây, chào hỏi trở thành một thói quen hàng ngày. Các cô hướng dẫn chúng em hơi cúi đầu, mỉm cười khi chào các thầy cô cũng như khách tới trường. Đi đâu em cũng áp dụng điều đó, ở trường từ gặp bác bảo vệ hay cô lao công, về đến nhà gặp các cô, chú hàng xóm, em đều chào từ xa. Khi được chào hỏi, em thấy ai cũng thân thiện chào lại mình, em thấy rất vui.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ